Một trong những vấn đề nóng hiện nay đó là cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine và những ảnh hưởng của nó lên thị trường kinh tế thế giới. Cuộc tấn công đã khiến giá dầu, vàng tăng lên dựng đứng khi có sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga – một trong những quốc gia cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới.
Giá dầu thô của Mỹ đã đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng – mức giá cao nhất kể từ năm 2014, tăng hơn 8% vào đầu phiên giao dịch hôm 7/3/2022. Trong khi đó, tại Việt Nam, giá xăng hiện tại đang chạm mức cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây, với mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 26.471 đồng/lít; xăng RON95 là 27.317 đồng/lít (tính đến ngày 18/4/2022). Gánh nặng đè lên vai người tiêu dùng khi giá xăng không chỉ chịu biến động từ tình hình quốc tế chung mà vốn dĩ trong nước, 38% giá xăng dầu là các loại thuế. Vậy hiện tại xăng dầu đang phải chịu thuế như thế nào?
Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu có 4 loại thuế sau đây:
1. Thuế giá trị gia tăng (10%)
Theo Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài) là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Xăng dầu – một mặt hàng thiết yếu trong đời sống, Việt Nam thường xuyên nhập khẩu từ nhiều nguồn tại nước ngoài, đương nhiên thuộc đối tượng chịu loại thuế này. Cũng theo Khoản 3 Điều 8 Luật này, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho xăng dầu là 10% tính trên giá bán.
Vừa qua, căn cứ theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ đã có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Tuy nhiên, nhóm xăng dầu lại không nằm trong mục được giảm thuế này.
2. Thuế nhập khẩu (10%)
Hiện tại Việt Nam đã có nhiều nhà máy lọc hóa dầu như Dung Quất và Nghi Sơn nhưng lại hoạt động với công suất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thường xuyên mặt hàng xăng dầu. Xăng dầu nhập khẩu hiện nay chủ yếu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc. Xăng dầu nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo khoản 1 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016. Mức thuế suất nhập khẩu áp dụng cho xăng dầu là 10% tính trên giá bán.
3. Thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%)
Theo điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014, xăng các loại sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cũng theo Điều 7 của Luật này, căn cứ vào biểu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế suất cụ thể đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7% trên giá nhập tại cảng.
4. Thuế bảo vệ môi trường (1.000 – 4.000 đồng/lít)
Xăng (trừ etanol) đều là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo khoản 1 Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010 với mức thuế từ 1.000 đồng/lít đến 4.000 đồng/lít (kể cả dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut). Cụ thể với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng… Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cho đến hết năm 2022.
Tổng kết: Như vậy, một lít xăng dầu đang ‘cõng’ 7.000-9.000 đồng tiền thuế. Xăng dầu đang phải gánh cùng lúc nhiều loại thuế và với tình hình giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay thì số tiền thuế phải đóng cũng sẽ tăng theo.
(Xăng đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với xăng nhập khẩu. Còn mặt hàng dầu chịu thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu)
Trước tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine vẫn diễn biến phức tạp – Nga ngày càng quyết đoán trong hành động quân sự đối với Ukraine, dẫn đến giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng cao thì giá bán xăng trong nước cũng sẽ tiếp tục bị biến động nhiều. Thế nên ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; quyết định điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với các đối tượng như sau: xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít;… Mức điều chỉnh áp dụng từ 01/4/2022 đến 31/12/2022.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường rất cần thiết để bình ổn giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, mức giảm này cũng không là đáng kể so với tổng các loại thuế mà xăng dầu đang chịu.