Trong những ngày gần đây, cộng đồng mạng có nhiều ý kiến xung quanh hướng dẫn của Bộ Y tế “Sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Mà trong đó, “các địa phương xử phạt người sử dụng điện thoại thông minh nhưng không cài đặt ứng dụng phát hiện người tiếp xúc gần (Bluezone)”.
Cụ thể, mới đây, Bộ Y tế ban hành quyết định 2666/QĐ-BYT hướng dân sử dụng các ứng dụng khai báo y tế, phát hiện người tiếp xúc gần để phòng chống dịch, phạm vi áp dụng là mọi người dân và tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, có 3 ứng dụng gồm tokhaiyte.vn, NCOV và Bluezone đang được sử dụng để khai báo y tế. Theo Bộ Y Tế, người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế, thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone và bật chế độ Bluetooth.
Mặc dù Bluezone và các ứng dụng khai báo y tế là một công cụ hỗ trợ vô cùng đắc lực trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ứng dụng vừa cập nhật thông tin dịch bệnh, vừa ghi lại lịch trình đi lại, giúp cán bộ y tế nhanh chóng truy vết, khoanh vùng khi có ca mới. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều loại điện thoại dù là “điện thoại thông minh” nhưng do cấu hình thấp nên không thể cài đặt các các ứng dụng tiện ích. Cho dù điện thoại đủ điều kiện tải và cài đặt ứng dụng, thì chưa chắc những người lớn tuổi đã có thể sử dụng thông thạo công cụ này. Hơn nữa, nhiều người cho rằng việc kiểm tra điện thoại của người dân cũng không hề dễ dàng.
Dưới góc nhìn pháp lý, chúng ta đánh giá sự việc này như sau:
Thứ nhất, quyết định 2666/QĐ-BYT sử dụng các từ “cần”, “nên cài đặt” vốn dành cho câu cầu khiến, mang tính khuyến nghị, lời khuyên nhằm nâng cao ý thức cộng đồng. Tuy nhiên, nếu muốn xử phạt hành vi vi phạm hành chính thì hành vi phải được quy định trong Nghị định do Chính phủ ban hành. Không thể xử phạt vì không thực hiện lời khuyên dựa theo đạo đức xã hội.
Thứ hai, không có mức phạt cụ thể cho hành vi không sử dụng ứng dụng khai báo y tế, ứng dụng Bluezone và không có văn bản quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xử phạt.
Thứ ba, việc yêu cầu mỗi người dân mở điện thoại, cung cấp mật khẩu chỉ để kiểm tra xem đã cài đặt ứng dụng nào hay chưa, có bật bluetooth hay không đã xâm phạm quyền riêng tư và dễ dẫn tới khả năng thông tin cá nhân bị đánh cắp. Mà quyền cá nhân chỉ bị hạn chế trong điều kiện quan trọng với cộng đồng hay khẩn cấp. Do đó chỉ có thể vào tình trạng khẩn cấp do Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố mới có thể thực hiện biện pháp kiểm tra này.