Kinh doanh, môi giới bất động sản đang là một lĩnh vực nóng trong những năm nay. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là mua – bán bất động sản mà còn là các hoạt động như môi giới, cho thuê căn hộ, nhà ở, … và còn được phân chia ra thành các ngành nghề tương ứng, kèm theo các điều kiện khác nhau. Vậy sự khác nhau giữa kinh doanh và môi giới bất động sản là gì? Nên đăng ký ngành nghề nào mới phù hợp với hình thức hoạt động và điều kiện?
1.Khái niệm
Theo khoản 1 Điều 3 Luật kinh doanh bất động sản 2014, Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn …
Tại khoản 2 Điều 3 Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Về bản chất, Môi giới bất động sản là tìm kiếm và kết nối người bán và người muốn mua với nhau rồi kiếm lợi nhuận từ việc mua bán giữa hai đối tượng này; còn Kinh doanh bất động sản là kinh doanh và kiếm lời dựa trên chính bất động sản và quyền sử dụng đất/nhà ở. Thực tế, chúng ta đều gọi chung công việc liên quan đến mua bán đất đai là Kinh doanh bất động sản, tuy nhiên, pháp luật cũng có những quy định phân rõ phạm vi hoạt động giữa Kinh doanh bất động sản và Môi giới bất động sản, đi kèm với đó là những điều kiện kinh doanh riêng biệt.
2.Điều kiện kinh doanh
Đối với Kinh doanh bất động sản, tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh ngành nghề này thường phải quản lý và chịu trách nhiệm tài sản khá lớn, vậy nên Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, chỉ trừ một số trường hợp tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên (Ví dụ: Hộ gia đình bán đất, Công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản của công ty…)
Khác với Kinh doanh bất động sản buộc phải thành lập tổ chức mới có thể hoạt động, với ngành nghề Môi giới bất động sản thì tổ chức và cá nhân đều có thể hoạt động. Trường hợp thành lập doanh nghiệp thì phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Đối với cá nhân, cá nhân có thể hoạt động độc lập nếu có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật. Ngành nghề Môi giới bất động sản không yêu cầu mức vốn điều lệ tối thiểu.
Tuy nhiên, bên bán/bên mua bất động sản không thể đồng thời là bên môi giới. Do đó, doanh nghiệp không thể chỉ đăng ký một ngành nghề Môi giới bất động sản rồi tiến hành hoạt động như ngành nghề Kinh doanh bất động sản.
Hai ngành nghề đều có phạm vi hoạt động riêng biệt và những điều kiện đi kèm khác nhau. Do đó, doanh nghiệp và doanh nhân cần xem xét kĩ định hướng của doanh nghiệp, và đưa ra lựa chọn chính xác.
3. Dịch vụ của Luật Phúc Cầu
Các Thủ tục thành lập công ty có thể nói là không quá khó nhưng để một người bình thường, không am hiểu các thủ tục pháp lý thực hiện thì khá là vất vả khi tìm hiểu các quy định của pháp luật cũng như việc soạn thảo hồ sơ, biểu mẫu cho chính xác tránh việc sai sót, làm tốn thời gian ảnh hưởng đến hoạt động của Doanh nghiệp, cũng như đi lại nhiều lần.
Tuy nhiên, đến với Luật Phúc Cầu, bạn sẽ nhận được những tư vấn chuyên sâu và có căn cứ pháp lý chắc chắn đến từ đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý, đồng thời các thủ tục cũng sẽ được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn và có nhiều điều chưa rõ . Hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và tư vấn miễn phí. Gọi cho chúng tôi !