Môi giới mại dâm là một trong những hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân và xã hội. Vậy, môi giới mại dâm là gì? Tội môi giới mại dâm bị xử lý như thế nào? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) – BLHS;
- Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
1. Môi giới mại dâm là gì?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 thì môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
Trong đó, hành vi bán dâm, mua dâm được quy định như sau:
- Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
- Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
2. Các yếu tố cấu thành tội phạm của Tội môi giới mại dâm
Về mặt khách quan của tội phạm: Tội môi giới mại dâm có hành vi là dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm. Tức là người nào đó có hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt người khác để thực hiện hành vi mua dâm, bán dâm.
- Dụ dỗ có thể được hiểu là hành vi thuyết phục người bán dâm, mua dâm bằng một lợi ích nào đó (tiền bạc, thỏa mãn nhu cầu cá nhân) để đồng ý thực hiện hành vi mại dâm.
- Dẫn dắt là hành vi tiếp cận, hướng dẫn người mua dâm, người bán dâm thực hiện hành vi mại dâm.
Lưu ý: Hành vi môi giới mại dâm thường gắn liền với việc thu lợi bất chính từ việc môi giới đó.
Về mặt chủ quan của tội phạm: bao gồm lỗi, mục đích và động cơ. Lỗi của tội môi giới mại dâm là lỗi cố ý, tức là người phạm tội biết rõ việc dụ dỗ, dẫn dắt người mua và người bán dâm là hành vi trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi. Tuy mục đích và động cơ không phải là yếu tố bắt buộc khi phân tích cấu thành tội phạm nhưng nó sẽ là căn cứ để định khung hình phạt. Thông thường động cơ của tội môi giới mại dâm là thu lợi ích về vật chất hoặc các lợi ích khác.
Về mặt chủ thể của tội phạm: Chủ thể của Tội môi giới mại dâm là cá nhân có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. Nghĩa là chủ thể của Tội môi giới mại dâm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự thì mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Về mặt khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, cụ thể ở đây là xâm phạm trật tự công cộng. Tội môi giới mại dâm là tội phâm xâm phạm trật tự công cộng, vi phạm nếp sống văn minh, gây hệ lụy xấu cho xã hội, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục của dân tộc, lối sống văn minh cũng như ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân.
3. Môi giới mại dâm bị xử lý như thế nào?
- Xử phạt hành chính
Tại Điều 26 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt hành chính đối với các hành vi có liên quan đến môi giới mại dâm, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác mua dâm, bán dâm.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm;
+ Góp tiền, tài sản để sử dụng vào mục đích hoạt động mua dâm, bán dâm;
+ Môi giới mua dâm, bán dâm.
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm.
Bên cạnh đó, có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt vi phạm hành chính nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 328 BLHS, môi giới mại dâm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
“1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Như vậy, hành vi môi giới mại dâm có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù với khung hình phạt lên tới 15 năm đối với các trường hợp có hành vi vi phạm nghiêm trọng. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị xem xét với hình thức xử phạt bổ sung theo quy định.