Bạo lực gia đình là hành vi đáng lên án trong xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tinh thần cho cá nhân bị bạo hành, nhất là phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, nó còn gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về hành vi bạo lực gia đình và hình thức xử phạt ra sao? Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp cho Quý Khách hàng thông qua bài viết sau đây.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 – BLHS;
- Bộ luật Dân sự 2015 – BLDS;
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007;
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực án ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
- Quy định số 69-QĐ/TW năm 2022 về Kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm.
1. Bạo lực gia đình là gì?
Tại Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định khái niệm Bạo lực gia đình như sau:
“2. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.”
Như vậy, hành vi bạo lực gia đình được thực hiện với lỗi cố ý, nhằm gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại của cá nhân đối với thành viên khác trong gia đình.
Trong đó, thành viên trong gia đình có thể là vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột (Theo Khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
2. Các hành vi bạo lực gia đình
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
“a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.”
Như vậy, người nào thực hiện một trong các hành vi trên đối với thành viên trong gia đình thì bị coi là bạo lực gia đình. Ngoài ra, nếu thực hiện hành vi đó đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ, chồng cũng được xem là bạo lực gia đình.
3. Xử lý người có hành vi bạo lực gia đình
Căn cứ Khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
“1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, người có hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội. Ngoài ra, còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
* Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 30.000.000 đồng. Tùy từng hành vi mà có những mức phạt khác nhau, cụ thể được quy định tại Mục 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Và theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là 01 năm, được tính như sau:
- Đối với hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
- Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
- Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định trên tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
* Xử lý kỷ luật:
Hình thức xử lý kỷ luật áp dụng đối với Đảng viên có hành vi bạo lực gia đình. Cụ thể tại Điều 50 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 Vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
“1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh, vật dụng kích động hoặc nhằm kích động bạo lực gia đình.
b) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em ruột với nhau.
c) Thờ ơ, vô cảm hoặc ngăn cản việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
2. Trường hợp đã bị kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản riêng của thành viên trong gia đình hoặc tài sản chung của gia đình.
b) Cưỡng ép thành viên trong gia đình lao động quá sức hoặc ép buộc đóng góp tài chính quá khả năng; kiểm soát thu nhập của thành viên trong gia đình nhằm tạo tình trạng lệ thuộc về tài chính.
c) Có hành vi buộc thành viên trong gia đình ra khỏi chỗ ở trái pháp luật.
d) Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác gây bạo lực gia đình.
đ) Dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không đúng pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
3. Trường hợp vi phạm Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Trả thù, trù dập người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
b) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên trong gia đình hoặc người có công nuôi dưỡng mình.”
Như vậy, hình thức xử lý kỷ luật sẽ không thay thế xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Đảng viên thực hiện các hành vi bạo lực gia đình tùy mức độ và hậu quả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý kỷ luật, ngoài ra còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
* Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 185 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:
“Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”
Bên cạnh đó, nếu hành vi bạo lực gia đình đủ căn cứ cấu thành các tội khác được quy định trong Bộ luật Hình sự thì sẽ bị truy cứu theo các tội danh đó. Cụ thể:
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017) – mức phạt cao nhất là tù chung thân. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 155 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, đối với trường hợp bạo lực gia đình phạm vào tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà khung hình phạt tương ứng với Khoản 1 Điều 134 BLHS thì không được khởi tố vụ án hình sự nếu người bị bạo lực không yêu cầu.
- Tội hành hạ người khác (Điều 140 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017) – mức phạt cao nhất là phạt tù đến 03 năm.
- Tội Giết người (Điều 123 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017) – mức phạt cao nhất là tử hình.
Như vậy, tùy vào hành vi, mức độ phạm tội và hậu quả mà hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết, Tòa án sẽ xem xét toàn diện để định tội danh một cách đúng đắn.
* Bồi thường thiệt hại:
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì người có hành vi bạo lực gia đình sẽ phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người thực hiện hành vi bạo lực gia đình sẽ phải bồi thường thiệt hại đối với:
– Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo Điều 589 BLDS 2015, bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.
– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo Điều 590 BLDS 2015: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại (mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).
– Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo Điều 591 BLDS 2015: bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phí mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc những người mà người bị thiệt hại trực tiếp nuôi dưỡng, người nuôi dưỡng người bị thiệt hại (mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).
– Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Điều 592 BLDS 2015: bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại (mức bồi thường do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).
Người có hành vi bạo lực gia đình phải kịp thời, nhanh chóng bồi thường thiệt hại nhằm khắc phục hậu quả và bảo đảm lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình.
4. Phải làm gì khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình
Tại Khoản 1 Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Nạn nhân của bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
“a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình được pháp luật bảo vệ, họ hoàn toàn có thể thực hiện các quyền nói trên để bảo vệ mình.
Bên cạnh đó, theo Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình như sau:
“1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.
2. Cơ quan công an, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.”
Như vậy, khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì phải báo tin cho cơ quan công an gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi đó. Nếu nhân viên y tế hoặc nhân viên tư vấn về bạo lực gia đình khi thực hiện nhiệm vụ của mình phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở để họ có trách nhiệm báo cho cơ quan công an gần nhất.
Ngoài ra, cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi.