NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CÓ ĐƯỢC NHẬN THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở VIỆT NAM?

Quyền sử dụng đất là một trong những loại tài sản được người chết để lại cho những người thừa kế thông qua di chúc hoặc theo quy định pháp luật. Vậy đối với trường hợp là người nước ngoài có được nhận thừa kế quyền sử dụng đất không? Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp cho Quý khách hàng thông tin về vấn đề trên:

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS);
  • Luật Đất đai năm 2013.

1. Thừa kế có yếu tố nước ngoài

Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản từ người chết sang cho người đang sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Trong đó, thừa kế được chia theo hai hình thức:

  • Thừa kế theo di chúc: là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống (Điều 624 BLDS).
  • Thừa kế theo pháp luật: là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định (Điều 649 BLDS).

Yếu tố nước ngoài: Theo quy định của BLDS 2015 quy định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là một trong những quan hệ thuộc trường hợp sau:

  • Trong các bên tham gia có ít nhất một bên là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
  • Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân có quốc tịch Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
  • Các bên tham gia đều công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Từ những định nghĩa trên, có thể hiểu Thừa kế có yếu tố nước ngoài là quan hệ thừa kế có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài hoặc căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài hoặc tài sản thừa kế ở nước ngoài.

2. Trường hợp người nước ngoài được thừa kế di sản ở Việt Nam

Theo Điều 624 BLDS 2015 quy định về di chúc như sau:

” Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Bên cạnh đó tại Điều 626 BLDS 2015 quy định như sau:

Điều 626. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có quyền sau đây:

  1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
  2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
  3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
  4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
  5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

Theo đó, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Trong đó, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế di sản của mình. Vì vậy, người nước ngoài có thể được hưởng thừa kế di sản thông qua hình thức di chúc và được pháp luật công nhận, miễn là di chúc hợp pháp. Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp mà người nước ngoài sẽ được nhận di sản hoặc được hưởng giá trị di sản.

Xem thêm: Thủ tục lập Di chúc 

3. Người nước ngoài có được nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất không?

Căn cứ khoản 2 Điều 680 BLDS 2015 thì việc thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Cụ thể, tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 như sau:

“ 3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

– Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

– Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;

– Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính”

Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên, người thừa kế là người nước ngoài không được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng vẫn được quyền chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế. Hay nói cách khác, người nước ngoài chỉ được hưởng giá trị của tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất thông qua việc chuyển nhượng hoặc tặng cho: Giá trị của quyền sử dụng đất được quy thành tiền và không được nhận bằng hiện vật là quyền sử dụng đất.

Xem thêm: Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài 

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *