M&A: NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý ĐỐI VỚI BÊN BÁN KHI THẨM ĐỊNH PHÁP LÝ

M&A (Mergers and Acquisition) là hoạt động sáp nhập và mua bán nhằm giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ trên thị trường Việt Nam, góp phần thu hút vốn đầu tư cho nền kinh tế, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhiều thương vụ M&A đã thực hiện thành công có thể kể đến như Grab mua lại Uber, Vingroup mua lại Masan… Tuy nhiên, để một thương vụ M&A thành công, cả Bên mua và Bên Bán đều phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Trong đó, việc thẩm định pháp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ đứng dưới góc độ của Bên Bán để cung cấp thông tin cho Quý khách hàng những điểm cần lưu ý khi thẩm định pháp lý.

1. Thẩm định pháp lý là gì?

Thẩm định là một quá trình xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề để đưa ra kết luận về đối tượng được thẩm định. Trong giao dịch M&A, thẩm định là việc xem xét, đánh giá về hoạt động kinh doanh, tài sản, tài chính, lợi thế thương mại, năng lực và hiệu quả hoạt động của công ty mục tiêu trước khi các bên chính thức thực hiện giao dịch M&A. Một trong những loại quy trình thẩm định không thể thiếu là Thẩm định pháp lý.

Thẩm định pháp lý là việc soát xét toàn bộ các yếu tố pháp lý đã cấu thành nên và duy trì sự hiện diện, tồn tại của một doanh nghiệp. Kết quả của việc thẩm định được thể hiện qua một Bản báo cáo, trong đó ghi nhận một cách khách quan tất cả các thông tin pháp lý của doanh nghiệp và đánh giá của Chuyên gia về lợi ích cũng như rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện giao dịch.

2. Những lưu ý cho bên bán khi thẩm định pháp lý trong giao dịch M&A

Thông thường, việc thẩm định sẽ do Bên Mua tiến hành thực hiện. Chính vì vậy, Bên Bán ít khi chú trọng và không thực hiện rà soát lại các tài liệu pháp lý của mình trước khi tham gia giao dịch M&A dẫn đến việc nhiều tài liệu không cung cấp được cho Luật sư thẩm định của Bên Mua khi có yêu cầu hoặc có những sai phạm nghiêm trọng về mặt pháp lý nhưng chưa được khắc phục… Theo đó, khi tiến hành thẩm định, trong Báo cáo rà soát pháp lý của Bên Mua sẽ ghi nhận các sai phạm pháp luật, các rủi ro về mặt pháp lý, từ đó ảnh hưởng đến quyết định M&A của Bên Mua đối với Bên Bán. Vậy nên, Bên Bán cần phải chủ động rà soát lại toàn bộ vấn đề pháp lý và khắc phục các thiếu sót (nếu có). Bên Bán cần lưu ý một số vấn đề chính sau:

  • Phần vốn góp/ cổ phần

Bên Bán cần phải kiểm tra một cách kỹ lưỡng các tài liệu pháp lý thể hiện các Thành viên Góp vốn/ Cổ đông là những chủ sở hữu của Bên bán, chứng minh được những người này đã thực hiện việc góp vốn đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật hoặc việc mua bán phần vốn góp/cổ phần trước đây được thực hiện một cách hợp pháp. Đây là tài liệu đặc biệt quan trọng để Nhà Đầu Tư xem xét thành viên góp vốn/ cổ đông có được quyền chuyển nhượng vốn/ cổ phần hay không, hoặc các thành viên góp vốn/cổ đông có được quyền quyết định tiếp nhận thêm vốn vào Công ty của Bên bán hay không.

  • Ngành nghề kinh doanh

Bên bán cần lưu ý đến các giấy phép, điều kiện kinh doanh áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ của công ty. Việc xác định ngành nghề kinh doanh đang hoạt động của Bên Bán có thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện không có ý nghĩa trong việc xác định Công ty Bên Bán đã đáp ứng đủ điều kiện về giấy phép/ giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật để được kinh doanh hợp pháp

Đồng thời, việc rà soát ngành nghề hoạt động của Công ty Bên Bán cũng đóng vai trò quan trọng để xác định các giới hạn, điều kiện đầu tư của Bên Mua trong trường hợp Bên Bán mong muốn kêu gọi vốn đầu tư từ Nhà Đầu Tư Nước Ngoài như ngành nghề kinh doanh đang hoạt động có cho phép Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đầu tư vào hay có hạn chế nào đối với Nhà Đầu Tư Nước Ngoài không? Trường hợp có hạn chế thì lập trước phương án xử lý (xin các chấp thuận, giấy phép cần thiết từ các cơ quan có thẩm quyền liên quan) hoặc loại bỏ kế hoạch kêu gọi vốn từ Nhà Đầu Tư Nước Ngoài.

  • Tài sản quan trọng

Các tài sản quan trọng có thể được xác định theo các tiêu chí khác nhau tuỳ theo hoạt động kinh doanh của Công ty Bên bán. Một số tài sản quan trọng cần lưu ý:

Bất động sản: Cần phải xem xét tất cả các hợp đồng giao, cho thuê bất động sản ký kết bởi công ty mục tiêu (cho dù là người thuê nhà hoặc chủ nhà), hợp đồng mua bán, khảo sát (nếu một hợp đồng thuê dài hạn, lệ phí sở hữu), các chính sách bảo hiểm chủ quyền (nếu lệ phí sở hữu); nên xác định xem bất kỳ sự đồng ý cần thiết cho việc bán doanh nghiệp dự tính (hoặc sáp nhập) giao dịch, bao nhiêu nợ thu được, cho dù có đủ dài còn lại trên hợp đồng thuê.

Quyền Sở hữu trí tuệ: Các vấn đề pháp lý thường gặp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ thường đến từ việc công ty chưa đăng ký nhãn hiểu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; công ty con sử dụng nhãn hiệu của công ty mẹ hay thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sắp hết. Theo đó, các tài liệu cần xem xét trong quá trình thẩm định tính pháp lý thường bao gồm: giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; quy định nội bộ về sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, cần lưu ý thêm với các hợp đồng chuyển giao công nghệ và hợp đông liên quan đến phần mềm máy tính quan trọng, có giá trị lớn của công ty.

 

Để được tư vấn chi tiết hơn về M&A và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng /./

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *