? ÁN LỆ SỐ 50/2021/AL ? Về quyền khởi kiện vụ án đòi lại tài sản của Người Được Giao Tài Sản theo Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật

Trên thực tế xảy ra trường hợp Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật; tuy nhiên vì nhiều lý do mà chưa được thi hành. Điều này kéo dài đến khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án. Từ đó, Người Được Giao Tài Sản theo Bản án, Quyết định đó quyết định khởi kiện đòi lại tài sản. Vậy trong trường hợp này, Người Được Giao Tài Sản có quyền khởi kiện đòi lại tài sản hay không? Luật Phúc Cầu sẽ giúp Quý khách hàng giải đáp thông bài tổng hợp án lệ sau đây.

1. Nguồn án lệ

Quyết định giám đốc thẩm số 481/2012/DS-GĐT ngày 25/9/2012 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Thừa Thiên Huế giữa các bên:

  • Nguyên đơn: ông Nguyễn Văn N;
  • Bị đơn: bà Nguyễn Thị T.

2. Khái quát nội dung án lệ

  • Tình huống án lệ:

Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án giải quyết việc phân chia tài sản nhưng bản án, quyết định này chưa được thi hành do người được thi hành án không yêu cầu thi hành án và chưa nhận tài sản trên thực tế. Khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, người được Tòa án giao tài sản mới có tranh chấp đòi lại tài sản được giao theo bản án, quyết định nêu trên.

  • Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định người đã được giao tài sản theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền khởi kiện đòi lại tài sản.

3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

  • Khoản 2, 7 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 – Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án (tương ứng với khoản 2, 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015);
  • Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005 – Quyền đòi lại tài sản (tương ứng với Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015);
  • Khoản 6 Điều 105 Luật Đất đai năm 2003 – Quyền chung của người sử dụng đất (tương ứng với khoản 7 Điều 166 Luật Đất đai năm 2013).

4. Tóm tắt nội dung vụ án

Nguyên đơn ông Nguyễn Văn N trình bày:

Ông và bà Nguyễn Thị T kết hôn vào năm 1963, ông bà có một ngôi nhà tọa lạc trên thửa đất tại thôn B, xã X (nay là nhà số 04 đường H, khu vực A, phường C, thành phố Huế) diện tích 1.490m2. Năm 1968 ông N thoát ly ra miền Bắc đến năm 1975 ông N về quê thì bà T đã có chồng khác nên ông bà xin ly hôn.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 13/5/1977, TAND tỉnh Bình Trị Thiên đã xử cho ông N và bà T ly hôn. Về tài sản, ông N được quyền sử dụng một phần đất trong khuôn viên thửa đất nói trên, phần đất này có ngôi mộ của bố ông N, có bản vẽ phân chia ranh giới do Tòa án lập kèm theo bản án. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông N đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, cơ quan chức năng đã tiến hành chia đo đất theo bản vẽ của Tòa án. Năm 2001 ông N về quê xây nhà thờ tổ tiên thì bà T cản trở, nên ông khởi kiện yêu cầu bà T trả lại tài sản là quyền sử dụng đất theo bản án, yêu cầu bà T phục hồi lại hiện trạng ranh giới như bản án đã phân chia.

Bị đơn bà Nguyễn Thị T trình bày:

Bà thừa nhận có kết hôn với ông N, sau đó ly hôn theo Bản án số 43 ngày 13/5/1977. Năm 1968 ông N ra miền Bắc đến năm 1969 có giấy báo tử của ông N nên bà T đã lấy chồng khác. Từ ngày có bản án, người được thi hành án là ông N không có đơn yêu cầu thi hành án nên bà T không chấp nhận trả lại đất cho ông N vì bà cho rằng đất đai là của bố bà T để lại cho bà.

  • Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST ngày 21/6/2006 TAND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định:

Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn N buộc bà Nguyễn Thị T trả lại quyền sử dụng đất diện tích 452,85m2 (có cạnh 37,5; 38,55; 36,14) là tài sản được xác lập theo Bản án số 43/DSPT ngày 13/5/1977 trên đó có ngôi mộ của cha ông N trong thửa đất số 42 tờ bản đồ địa chính số 28 diện tích 1.997,06m2 tại nhà số 04 đường H, khu vực A, phường C, thành phố Huế (vị trí thửa đất của ông N có bản vẽ kèm theo).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà T kháng cáo.

  • Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 55/2006/DSPT ngày 11/12/2006 của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định:

Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST ngày 21/6/2006 của TAND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tranh chấp đòi tài sản quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn N và bị đơn là bà Nguyễn Thị T. Đình chỉ việc giải quyết vụ án. Trả lại đơn khởi kiện cho ông Nguyễn Văn N. Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn tuyên về án phí.

Sau khi xét xử phúc thẩm, ông N khiếu nại.

Tại Quyết định kháng nghị số 708/2009/KN-DS ngày 10/12/2009 Chánh án TAND tối cao kháng nghị đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 55/2006/DSPT ngày 11/12/2006 của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế, với nhận xét: Quyền sử dụng đất của ông N đã được xác định tại Bản án phúc thẩm số 43/DSPT ngày 13/5/1977. Ông N có quyền kiện đòi tài sản bằng vụ án dân sự mới. Tòa án cấp phúc thẩm xác định ông N không có quyền khởi kiện trả lại đơn khởi kiện cho ông N là không hợp lý.

Đề nghị Tòa Dân sự TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST ngày 21/6/2006 của TAND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

  • Tại phiên tòa Giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

5. Nội dung án lệ

Nội dung án lệ được trích từ đoạn 4 phần Nhận định của Tòa án trong Quyết định giám đốc thẩm số 481/2012/DS-GĐT ngày 25/9/2012 của Tòa Dân sự TAND tối cao, cụ thể như sau:

“[4] Theo quy định của pháp luật thì quyền sử dụng đất của ông N đối với đất tranh chấp đã được xác định tại Bản án phúc thẩm số 43 ngày 13/5/1977 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên. Tòa án không được giải quyết lại quan hệ ai là chủ sử dụng đất hợp pháp, nhưng kiện đòi lại tài sản lại là quan hệ pháp luật khác. Nếu còn thời hiệu thi hành án thì ông N có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thực hiện giao đất theo Bản án số 43 ngày 13/5/1977 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên. Tuy nhiên, nay đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì ông N có quyền khởi kiện đòi lại tài sản bằng vụ án dân sự mới. Trong trường hợp này, nếu không có căn cứ xác định ông N đã từ bỏ quyền tài sản thì phải chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.”

6. Sự cần thiết của án lệ

Án lệ đã giải quyết theo hướng khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án người đã được giao tài sản theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền khởi kiện đòi lại tài sản bằng vụ án dân sự mới nếu không có căn cứ xác định họ đã từ bỏ quyền tài sản. Điều này góp phần bảo vệ quyền lợi của người được giao tài sản, khẳng định họ hoàn toàn có quyền đối với tài sản đã được phân chia theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

7. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ

Án lệ được áp dụng trong trường hợp những vụ án mà người được giao tài sản theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án mà bản án, quyết định này chưa được thi hành mà thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết, khởi kiện đòi lại tài sản. Tài sản đó có thể là bất động sản như trong vụ án tạo lập nên án lệ hay là các động sản khác đều áp dụng nội dung án lệ để giải quyết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *