? ÁN LỆ HÌNH SỰ SỐ 46/2021/AL ? Về việc xác định Tình tiết định khung hình phạt “ĐỐI VỚI TRẺ EM MÀ NGƯỜI PHẠM TỘI CÓ TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC” trong tội “DÂM Ô ĐỐI VỚI TRẺ EM”

“Dâm ô đối với trẻ em” không chỉ là tội danh vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn vi phạm đạo đức con người. Giáo viên trong trường nơi có trẻ em theo học nhưng không trực tiếp giảng dạy khi thực hiện hành vi dâm ô đối với trẻ em thì có được xác định là “Dâm ô đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” hay không? Thắc mắc này sẽ được Luật Phúc Cầu giải đáp thông qua bài tổng hợp án lệ sau đây.

1. Nguồn án lệ

Quyết định giám đốc thẩm số 12/2020/HS-GĐT ngày 07/8/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Dâm ô đối với trẻ em” đối với bị cáo Đinh Quang D.

2. Khái quát nội dung án lệ

  • Tình huống án lệ:

Bị cáo là giáo viên nơi Bị hại là trẻ em theo học, không trực tiếp giảng dạy Bị hại, có hành vi dâm ô đối với Bị hại.

  • Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo phạm tội “Dâm ô đối với trẻ em” theo điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 với tình tiết định khung hình phạt “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” (tương ứng điểm d khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” với tình tiết định khung hình phạt “Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục”).

3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

  • Điểm c khoản 2 Điều 116 BLHS năm 1999 về tội “Dâm ô đối với trẻ em” (tương ứng với khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 146 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”);
  • Điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 31 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

4. Tóm tắt nội dung vụ án

Do quen biết nhau từ trước, khoảng 07 giờ 30 phút ngày 02/4/2017, Nguyễn Thị T (sinh ngày 03/8/2001) là học sinh lớp 10, Trường trung học phổ thông L sử dụng điện thoại nhắn tin cho Đinh Quang D là giáo viên của trường và hẹn xuống phòng của D chơi.

Sau khi hẹn, cháu T đi bộ đến phòng của D ở khu tập thể giáo viên, tại phòng ở của D, do ngại có người đi ngang qua nên D đóng cửa rồi cầm tay cháu T xem chỉ tay. Lúc này, D đưa tay khoác vai, ôm eo, thấy cháu T không phản ứng nên D nảy sinh ý định muốn gần gũi với cháu T để thoả mãn nhu cầu cá nhân. D hôn cháu T, kéo cháu T nằm xuống giường và nằm lên giường cùng cháu T rồi tiếp tục hôn, dùng tay sờ bụng, sờ ngực, sau đó dùng tay mở khuy quần và kéo khoá quần cháu T xuống. D đưa tay trái của mình sờ vào bộ phận sinh dục của cháu T. Cháu T không đồng ý nên kéo tay D ra và kéo khoá quần lên. D tiếp tục kéo khoá quần của T xuống và tụt phần phía trước quần D đang mặc xuống để lộ một phần dương vật ra ngoài, chạm vào hông của cháu T, cháu T đẩy D ra thì quần của D tự bật lên, đẩy dương vật vào trong quần. D tiếp tục ngồi lên đùi cháu T, dùng hai tay xoa vào má cháu T thì cháu T đẩy D ra và đứng dậy sửa lại tóc, quần áo đòi về. D đi đến phía sau ôm cháu T rồi mở cửa cho cháu T về. Sau đó, cháu T kể lại cho gia đình biết chuyện bị D xâm hại tình dục. Ngày 03/4/2017, bà Trần Thị H là mẹ cháu T tố cáo hành vi của Đinh Quang D.

Tại Kết luận giám định pháp y số 166/TTPY ngày 07/7/2017, Trung tâm giám định pháp y tỉnh G kết luận: Cháu Nguyễn Thị T không bị tổn hại cơ thể.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2017/HSST ngày 02/10/2017, Tòa án nhân dân huyện Chư Prông đã áp dụng khoản 1 Điều 116; điểm h, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Đinh Quang D 07 tháng tù về tội “Dâm ô đối với trẻ em”.

Ngày 02/10/2017, Đinh Quang D kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh Quang D; áp dụng khoản 1, Điều 116; điểm h, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999; áp dụng thêm điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa bản án hình sự sơ thẩm, xử phạt Đinh Quang D 07 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngày 06/4/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 48/QĐ-VC2 đề nghị hủy bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm vì cho rằng hành vi phạm tội của Đinh Quang D phải được xét xử với tình tiết định khung tăng nặng “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm.

Tại Kháng nghị số 13/QĐ-VKSTC-V7 ngày 23/10/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định: Kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017 của TAND tỉnh Gia Lai. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2017/HSST ngày 02/10/2017 của TAND huyện Chư Prông, Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017 của TAND tỉnh Gia Lai và Quyết định giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

5. Nội dung án lệ

Nội dung án lệ được trích từ đoạn 3, 4 phần Nhận định của Tòa án trong Quyết định giám đốc thẩm số 12/2020/HS-GĐT ngày 07/8/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, cụ thể như sau:

“[3] Đinh Quang D là giáo viên dạy môn địa lý của Trường trung học phổ thông L. Ngày 26/3/2017, D xuống khu học sinh dân tộc nội trú nhờ học sinh nam chặt chuối giúp ở phía sau khu tập thể của D, gặp T chơi ở phòng các học sinh nữ và biết T đang học lớp 10. Từ đó D và T thường hay nhắn tin cho nhau. Ngày 02/4/2017, T nhắn tin đến phòng D chơi và D có hành vi dâm ô đối với T. Do đó, D biết T được khoảng 1 tuần và biết T là học sinh của Trường trung học phổ thông L.

[4] Theo quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 31 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Điều lệ trường Trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì nhiệm vụ của giáo viên bộ môn là phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác trong việc dạy học và giáo dục học sinh. Do đó, với tư cách là giáo viên của nhà trường, D phải có trách nhiệm giáo dục tất cả các học sinh của trường, trong đó có cháu Nguyễn Thị T. Do đó, D phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 mới đúng pháp luật.

6. Sự cần thiết của án lệ

Án lệ đã xác định chủ thể phạm tội để áp dụng tình tiết “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” trong tội “Dâm ô đối với trẻ em” là giáo viên nhà trường mà không phân biệt là giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn, giáo viên phải có trách nhiệm giáo dục tất cả các học sinh của trường mà không xác định có trực tiếp giảng dạy hay không.

Án lệ ra đời nhằm răn đe những hành vi không đúng đắn trong môi trường học đường, xác định trách nhiệm giáo dục của giáo viên trong nhà trường đối với học sinh nơi mình theo dạy. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật và đạo đức xã hội.

7. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ

Án lệ được áp dụng trong các trường hợp có tình huống pháp lý tương tự vụ án hình thành nên án lệ. Chủ thể phạm tội có thể không phải là Giáo viên bộ môn trong trường như tình huống tạo lập án lệ mà có thể là bố, mẹ, Giáo viên dạy thêm… những người có trách nhiệm giáo dục trẻ em nhưng lại có hành vi Dâm ô đối với trẻ em.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *