Hiện nay, việc giao dịch qua các cây ATM hay Internet banking của ngân hàng đang ngày càng phổ biến, giúp tiết kiệm được nhiều thời gian của người dùng. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, một trong số đó là việc chuyển tiền qua nhầm tài khoản, sai tên người thụ hưởng, gây ra nhiều rắc rối cho khách hàng.Vậy nếu chuyển nhầm tài khoản, chủ thẻ có lấy lại tiền được không? Nếu có thì chủ thẻ phải làm gì để có thể lấy lại tiền? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp cho Quý khách hàng những thông tin liên quan về vấn đề này.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
- Thông tư 37/2016/TT-NHNN quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
- Thông tư số 21/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2016/TT-NHNN về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
1. Có thể lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Thông tư 37/2016/TT-NHNN quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định:
“Đối với Lệnh thanh toán sai địa chỉ khách hàng (Lệnh thanh toán chuyển đúng đơn vị nhận lệnh nhưng không có người nhận lệnh hoặc người nhận lệnh mở tài khoản ở Ngân hàng khác), sai tên, số hiệu tài khoản của người nhận Lệnh thanh toán (đúng tên nhưng sai số hiệu tài khoản hoặc ngược lại), ký hiệu chứng từ, ký hiệu loại nghiệp vụ, xử lý như sau: Đối với các Lệnh thanh toán Có (hoặc Nợ) đơn vị nhận lệnh đã nhận nhưng chưa hạch toán thì thực hiện hạch toán vào tài khoản phải trả (phải thu) sau đó lập Lệnh thanh toán chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh. Nghiêm cấm đơn vị nhận lệnh chuyển tiền tiếp; Đối với các Lệnh thanh toán đã thực hiện, đơn vị nhận lệnh xử lý tương tự như đã nêu tại Điểm b Khoản 3 Điều này như sau:
Trường hợp nhận được yêu cầu hoàn trả của đơn vị khởi tạo lệnh sau khi đã trả tiền cho khách hàng thì đơn vị nhận lệnh ghi Sổ theo dõi Lệnh thanh toán bị sai sót và xử lý:
– Đối với Lệnh thanh toán Có bị sai thừa:
Khi nhận được Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có đối với số tiền chuyển thừa của đơn vị khởi tạo lệnh, nếu Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có là hợp lệ thì đơn vị nhận lệnh xử lý:
+ Trường hợp tài khoản thanh toán của khách hàng có đủ số dư: Căn cứ vào Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, đơn vị nhận lệnh chủ động phong tỏa/thu hồi số tiền bị sai thừa để lập Lệnh thanh toán Có đi mà không cần thông báo trước hoặc không cần sự đồng ý trước của chủ tài khoản. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, đơn vị nhận lệnh phải thực hiện chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh số tiền chuyển thừa;
+ Trường hợp tài khoản thanh toán của khách hàng không đủ số dư để thu hồi thì đơn vị nhận lệnh ghi nhập Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện, thực hiện phong tỏa và yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản để thực hiện Yêu cầu hoàn trả này. Khi khách hàng nộp đủ tiền hoặc tài khoản của khách hàng có đủ số dư để hoàn trả, kế toán ghi xuất Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa thực hiện được, lập Lệnh thanh toán Có gửi đơn vị khởi tạo lệnh;
+ Trường hợp khách hàng không còn khả năng thanh toán hoặc khách hàng vãng lai không xác định được nơi cư trú, thì đơn vị nhận lệnh phải là đơn vị đầu mối phối hợp với đơn vị khởi tạo lệnh, chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án, v.v… để tìm mọi biện pháp thu hồi lại tiền. Sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi mà không thu hồi được hoặc không thu hồi đủ thì đơn vị nhận lệnh được từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có; lập Thông báo từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, ghi rõ lý do từ chối; gửi trả lại đơn vị khởi tạo lệnh (số tiền thu hồi được nếu có); đồng thời ghi xuất sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện.”
Như vậy, dựa theo quy định trên, chủ thẻ chuyển tiền nhầm tài khoản có khả năng lấy lại được tiền của mình.
2. Cách xử lý khi chuyển tiền nhầm qua tài khoản ngân hàng của người khác
Việc lấy lại tiền khi chuyển nhầm còn phụ thuộc vào ý chí của chủ thẻ nhận tiền. Đối với từng trường hợp, quy trình xử lý sẽ có sự khác biệt như sau:
Trường hợp 1: NGƯỜI NHẬN NHẦM ĐỒNG Ý TRẢ LẠI TIỀN
Khi phát hiện chuyển nhầm tiền vào sai tài khoản, quy trình lấy lại tiền gồm các bước như sau:
Bước 1: Liên hệ ngay với ngân hàng
Cụ thể, chủ thẻ cần lập tức ra ngân hàng và mang theo các giấy tờ sau
– Giấy tờ tuỳ thân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân.
– Thông tin về số tài khoản của bản thân, số tài khoản thực tế phải chuyển, số tài khoản bị chuyển nhầm, chữ ký của chủ tài khoản để yêu cầu Ngân hàng nơi mở tài khoản xác minh;
– Giấy tờ chứng minh việc thanh toán như hoá đơn chuyển khoản, thẻ ngân hàng (ATM);
Bước 2: Sau khi tiến hành kiểm tra và xác nhận yêu cầu của người chuyển tiền là hợp lệ, ngân hàng sẽ liên hệ và gửi thông báo Yêu cầu hoàn trả với người nhận tiền đối với tài khoản cùng ngân hàng. Còn đối với tài khoản khác ngân hàng, ngân hàng sẽ liên hệ với ngân hàng chủ quản chuyển nhầm để gửi thông báo Yêu cầu hoàn trả cho chủ tài khoản đó theo quy định.
Bước 3: Người nhận tiền đồng ý bằng văn bản hoặc nộp tiền mặt hoặc lập chứng từ thanh toán trích tài khoản của mình để chuyển trả, ngân hàng mới được phép thông báo chấp nhận Yêu cầu hoàn trả cho người chuyển tiền biết và chuyển lại tiền vào tài khoản ngân hàng của người đó.
Ngân Hàng Nhận Tiền sẽ bồi hoàn lại tiền cho Ngân Hàng Chuyển và gửi lại về tài khoản của khách hàng gửi tiền.
Lưu ý: Ngân hàng chỉ có trách nhiệm hỗ trợ liên hệ thông báo đến chủ tài khoản được chuyển khoản nhầm để chuyển trả số tiền đã nhận, trường hợp có căn cứ xác định việc chuyển khoản đó do bị lừa dối hoặc ép buộc trái với quy định của pháp luật thì có thể quyền phong tỏa, tạm khoá mọi giao dịch của tài khoản cho đến khi giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp 2: NGƯỜI NHẬN TIỀN KHÔNG ĐỒNG Ý TRẢ LẠI TIỀN.
Theo Thông tư số 21/2018/TT-NHNN như trên, khách hàng chỉ được nhận lại số tiền chuyển nhầm khi người bị chuyển tiền nhầm đồng ý trả lại. Vậy trường hợp người nhận tiền không đồng ý trả lại thì người chuyển tiền nhầm có lấy lại được không? Câu trả lời là CÓ, tuy nhiên đối với trường hợp này, người chuyển nhầm tiền phải thực hiện các quy trình phức tạp hơn so với trường hợp trên. Cụ thể như sau:
Bước 1, 2: Giống như trường hợp trên
Bước 3: Nếu sau khi Ngân hàng đã yêu cầu nhưng chủ tài khoản đã nhận nhầm không đồng ý trả lại thì phía chủ tài khoản bị chuyển nhầm làm đơn trình báo gửi đến Công an cấp huyện nơi xảy ra sự việc để điều tra hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đề xuất: Nếu người nhận tiền không chấp nhận chuyển trả lại, ngân hàng sẽ gửi thông báo không chấp nhận yêu cầu hoàn trả và nêu rõ lý do cho người chuyển tiền biết. Lúc này, người chuyển tiền có thể làm đơn trình báo hoặc tiến hành khởi kiện để yêu cầu người nhận tiền trả lại số tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật dân sự năm 2015
Theo Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 nghĩa vụ hoàn trả đươc quy định như sau:
– Người nào chiếm hữu hay người nào sử dụng tài sản của người khác mà xác định đó không phải là tài sản của họ thì phải tiến hành hoàn trả lại cho chủ sở hữu của khối tài sản đó. Trường hợp không tìm được chủ sở hữu thì tiến hành việc giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trông giữ, bảo quản, trừ trường hợp được quy định trong Điều 236 Bộ luật dân sự 2015.
– Người nào được lợi về tài sản mà xác định được khối tài sản đó không phải của họ và đồng thời làm cho chủ sở hữu khối tài sản đó bị thiệt hại thì phải tiến hành hoàn trả lại khoản lợi đó cho người bị thiệt hại. Trừ trường hợp được quy định trong Điều 236 Bộ luật dân sự 2015.
3. Xử phạt đối với hành vi không chịu hoàn trả lại số tiền đã được chuyển nhầm
Sau khi đã có thông báo của Ngân hàng và Người chuyển tiền mà chủ tài khoản “cố tình không trả lại số tiền cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp…” thì tùy vào mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu TNHS, cụ thể:
-
Xử lý hành chính
Hành vi này được xác định đó là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Do đó, đối với hành vi không chịu hoàn trả lại số tiền đã được chuyển nhầm thì sẽ bị xử phạt với các mức sau:
– Trường hợp sử dụng trái phép số tiền mà biết là được chuyển nhầm thì sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
– Trường hợp chiếm giữ trái phép tài sản của người khác mà không chịu chuyển trả lại cho chủ sở hữu thì sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
* Người nước ngoài thực hiện hành vi này thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
-
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu việc chiếm giữ hay sử dụng tài sản của người khác mà có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về:
– Tội chiếm giữ tài sản trái phép của người khác được quy định tại Điều 176, Bộ luật hình sự 2015.Cụ thể, người nào biết rõ về tài sản đó không thuộc quyền sở hữu của mình nhưng cố tình không muốn trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp hay không chịu tiến hành giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà giá trị tài sản đó có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng trong khi đã được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu được nhận lại tài sản đó thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
– Đồng thời, BLHS còn quy định hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị áp dụng hình thức phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu xác định được giá trị tài sản chiếm giữ có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì sẽ bị áp dụng hình thức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
KẾT LUẬN: Trên thực tế, việc chuyển nhầm tiền qua tài khoản ngân hàng của người khác do lỗi của người chuyển tiền, phía ngân hàng không có trách nhiệm hoàn trả tiền về tài khoản và chỉ hỗ trợ khách hàng trong việc thông báo cho người nhận tiền về sự cố chuyển khoản nhầm. Việc hoàn trả tiền cho người chuyển nhầm phụ thuộc phần lớn vào thiện chí của người nhận tiền. Do đó, nhằm hạn chế các rủi ro về việc chuyển nhầm tiền qua tài khoản ngân hàng của người khác cũng như đảm bảo được quyền và lợi ích của mình khi sự cố chuyển nhầm xảy ra, Quý khách hàng cần ngay lập tức liên hệ với Luật sư để Luật sư có thể tư vấn, hỗ trợ đầy đủ hơn về hướng giải quyết lấy lại được số tiền chuyển nhầm.
Trên đây là những vấn đề về việc Cách xử lý trong trường hợp Chuyển nhầm tiền cho tài khoản ngân hàng khác. Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng /./