Hiện nay, ngày càng nhiều người đổ xô mua đất xen kẹt vì giá thành của loại đất này rẻ hơn nhiều so với đất thổ cư thông thường. Tuy nhiên, loại đất này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi không có Sổ đỏ. Để có thể tránh các rủi ro pháp lý khi mua loại đất này, người mua cần phải nắm rõ các quy định của pháp luật.
1. Đất xen kẹt là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành không có định nghĩa về đất xen kẹt. Loại đất này có thể được hiểu là đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư (xen lẫn với đất ở) hoặc diện tích đất còn lại sau quy hoạch.
Đặc điểm của loại đất này là nằm giữa khu dân cư nên thửa đất thường có diện tích không lớn. Đất xen kẹt là đất vườn, đất trồng cây hàng năm khác, đất ao hoặc các loại đất nông nghiệp khác mà hiện nay không còn sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
Như vậy, có thể hiểu đất xen kẹt là cách gọi phổ biến của người dân chỉ đất vị trí xen lẫn giữa các thửa đất trong khu dân cư tại khu vực đô thị và thông thường thuộc nhóm đất nông nghiệp.
2. Có được cấp Sổ đỏ cho đất xen kẹt không?
Theo quy định của pháp luật, đất xen kẹt vẫn có thể được cấp Sổ đỏ nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. Căn cứ khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013, đất xen kẹt có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ theo quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ 01/7/2004.
- Đất được UBND xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đấ, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch.
- Đất không vi phạm pháp luật về đất đai.
3. Có được xây nhà trên đất xen kẹt không?
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất như sau:
“1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”.
Đồng thời, theo Điều 143, Điều 144 Luật Đất đai 2013 quy định chỉ có đất ở nông thôn và đất ở đô thị mới được sử dụng để xây dựng nhà ở và xây dựng các công trình phục vụ đời sống.
Như vậy, nếu đất xen kẹt được xác định là đất ở thì người sử dụng đất có thể tiến hành xây dựng nhà ở theo quy định. Trường hợp đất xen kẹt không phải là đất ở mà vẫn muốn xây dựng thì trước tiên phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.
—- Xem thêm: Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất—–
Sau khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hộ gia đình, cá nhân cần xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (nếu đất xen kẹt thuộc khu vực đô thị).
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.