Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, có rất nhiều giao dịch phát sinh bao gồm cả những giao dịch có giao kết hợp đồng bằng văn bản. Những giao dịch này có thể nằm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng điểm chung là đều cần được đảm bảo bằng những điều khoản cơ bản của hợp đồng để tránh dẫn tới những rắc rối và nhập nhằng về sau.
Luật Phúc Cầu tổng hợp lại các nội dung cơ bản để bạn có thể nắm bắt rõ nhất cấu trúc cơ bản của một hợp đồng, từ đó áp dụng cho công việc của mình diễn ra thuận lợi, minh bạch:
I.Các vấn đề cơ bản
1.Chủ thể hợp đồng
Chủ thể hợp đồng có thể là cá nhân hoặc pháp nhân và cần được ghi rõ ràng theo thông tin trên giấy tờ (CMND/CCCD/Hộ chiếu đối với cá nhân, Giấy Đăng ký doanh nghiệp/Giấy đăng ký đầu tư… đối với pháp nhân). Tuy nhiên, điều cần lưu ý nhất đó là chủ thể này có tư cách ký kết hợp đồng này hay không, có thể dẫn tới khả năng hợp đồng vô hiệu do chủ thể hay không?
Cá nhân có thể tự mình ký kết hợp đồng hoặc ủy quyền cho người khác thay mình kí kết. Với pháp nhân thì người ký kết hợp đông phải là người đại dienj theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền lại có kèm văn bản ủy quyền.
Nếu trong hợp đồng ủy quyền không cho phép được ủy quyền lại cho một bên khác nữa thực hiện thay các công việc thì không được phép ủy quyền lại. Hợp đồng được ký kết bởi một bên được ủy quyền lại lần thứ hai có nguy cơ bị tuyên vô hiệu.
2.Định nghĩa, giải thích từ ngữ
Điều khoản này thường nằm ở phần đầu của hợp đồng, nhằm làm sáng tỏ những ngữ nghĩa mang tính chuyên môn hoặc có nhiều cách hiểu, nhằm đảm bảo tất cả các bên đều hiểu theo cùng một nghĩa và giảm thiểu tranh chấp phát sinh.
Điều khoản này thường nằm trong các hợp đồng mang nhiều thuật ngữ chuyên môn như xây dựng, thiết kế, …
3. Nội dung hợp đồng
Khái quát những vấn đề các bên thỏa thuận, là nền tảng để xây dựng quyền, nghĩa vụ đi kèm với công việc cần phải thực hiện của mỗi bên. Nội dung có thể bao gồm cả những thông tin như thời hạn, gói dịch vụ…
Vd1: Bên A cung cấp cho Công ty một nền tảng tuyển dụng dựa trên yêu cầu và phương pháp tìm kiếm như được quy định tại Điều …. của Hợp đồng này.
Vd2: Bên B thuê Bên A cung cấp dịch vụ quảng cáo trên website với tên miền https://luatphuccau.com/ và các trang con lên top google với các từ khóa liên quan theo yêu cầu của bên B.
Vd3: Bằng Hợp đồng này, Bên A ủy quyền cho Bên B thực hiện những công việc sau: (Kèm công việc, giá cả, thời gian…)
4. Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán
Giá hợp đồng, phương thức thanh toán cần được quy định rõ ràng tại một điều khoản riêng. Trong một số công việc đặc thù, hợp đồng không có điều khoản về giá mà dựa vào giá trị giao dịch trên các hóa đơn, chứng từ để thanh toán.
Lưu ý: Bất gì giá trị nào trong hợp đồng đều phải được ghi và thanh toán bằng Việt Nam Đồng theo quy định của Phap sleneh quản lý ngoại hối. Vệc quy định giá bằng USD (ngoại tệ) và thanh toán bằng đồng tiền Việt Nam trên cơ sở tỷ giá của bất kỳ ngân hàng nào đều bị cấm trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài giá trị hợp đồng, phần phương thức thanh toán bao gồm: Tài khoản thụ hưởng hay thanh toán tiền mặt, thời điểm thanh toán, các giai đoạn thanh toán tương ứng với các giai đoạn công việc. Việc thanh toán theo từng giai đoạn công việc cũng nhằm đảm bảo mỗi bên vẫn còn giữ một phần nghĩa vụ để ràng buộc lẫn nhau, tuy nhiên thực tế vẫn sẽ xảy ra những tình huống một trong hai bên không hoàn thành nghĩa vụ của mình cho dù hai bên còn ràng buộc. Do đó, ngoài việc tin tưởng năng lực của nhau trong thời gian hợp tác, tại đây có thể bổ sung thêm điều khoản về các biện pháp đảm bảo như đặt cọc, ký quỹ, bảo lãnh…
5. Quyền và nghĩa vụ các bên
Căn cứ điều khoản về nội dung của hợp đồng và phương thức thanh toán để xác định công việc cơ bản của mỗi bên phải thực hiện, quyền và lợi ích chính đáng của mỗi bên. Đây chính là quyền và nghĩa vụ. Điều khoản này có thể lặp lại những nghĩa vụ, cam kết, quyền lợi của mỗi bên đã được nêu ra từ trước để nhấn mạnh và liệt kê những nội dung khác.
Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên cũng có thể được quy định rải rác trong các điều khoản khác của hợp đồng chứ không chỉ gói gọn ở phần này.
6. Phạt vi phạm hợp đồng, Bồi thường thiệt hại
Theo quy định Luật Thương mại 2005, các bên có thể thỏa thuận về mức phạt khi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng những mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm và chỉ được phạt vi phạm nếu điều này đưuọc quy định trong hợp đồng.
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phạt vi phạm hợp đồng vừa bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm mà thôi. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề này khi soạn thảo hợp đồng.
7. Chấm dứt hợp đồng
Việc chấm dứt hợp đồng được áp dụng khi một trong các bên có những vi phạm cơ bản theo hợp đồng khiến cho bên còn lại không thể đạt được mục đích ban đầu khi giao kết hợp đồng. Đây cũng là một nội dung cần được quy định rõ ràng ngay từ ban đầu của cuộc hợp tác làm việc giữa hai bên, quy định quyền của mỗi bên được phép chấm dứt hợp đồng, giải phóng khỏi quan hệ dân sự này để đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, nếu việc chấm dứt hợp đồng không theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng và gây thiệt hại cho bên còn lại (ví dụ: Thông báo bằng văn bản, không thuộc các trường hợp được chấm dứt hợp đồng…) thì vẫn được xem là vi phạm hợp đồng, vẫn bị phạt hợp đồng và có thể phải bồi thường thiệt hại nếu hợp đồng có quy định.
8. Bảo mật
Tất cả những giấy tờ, tài liệu, thông tin trao đổi giữa Các Bên được xem lại tài sản riêng của Các Bên. Các Bên liên quan có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật tất cả những tài liệu, giấy tờ thông tin đó và chỉ được tiết lộ cho Bên thứ 3 nếu có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
9. Giải quyết tranh chấp
Trong hoạt động kinh doanh, ai cũng muốn công việc được hoàn thành êm thấm và giảm thiểu phát sinh tranh chấp. Do đó, mọi tranh chấp, bất đồng phát sinh từ Hợp đồng này và/hoặc trong quá trình thực hiện Hợp đồng trước hết phải được giải quyết thông qua con đường thương lượng, trên tinh thần thiện chí, hợp tác.
Nhưng cũng để tránh trường hợp một trong các bên không có thiện chí giải quyết công việc trong hòa giải, ngay tại điều khoản này, các Bên phải thỏa thuận chọn con đường Tòa án hoặc Trọng tài nếu tranh chấp xảy ra. Đồng thời các hợp đồng quốc tế phải chọn luật điều chỉnh ngay từ khi ký kết hợp đồng nhằm tránh các rắc rối về sau trong việc chọn hoặc phải tuân theo sự điều chỉnh của pháp luật nước nào.
10. Thỏa thuận chung
Là thỏa thuận cuối cùng, thể hiện việc các bên đã đọc hiểu và nắm rõ những quy định trong hợp đồng, hợp đồng được viết bằng bao nhiêu ngôn ngữ, ngôn ngữ nào sẽ có giá trị khi giải quyết tranh chấp và lập thành bao nhiêu bản, giao cho bao nhiêu bên…
Phần này có thể quy định về hiệu lực.
II.Tổng kết
Tùy theo nội dung công việc, đặc thù ngành nghề mà một phần nội dung có thể được diễn đạt bằng nhiều điều khoản, hoặc bổ sung thêm các phần khác tùy theo công việc thực tế… Nhưng nhìn chung, những nội dung cần lưu ý tóm lại gồm có:
1. Chủ thể hợp đồng
2. Định nghĩa, giải thích từ ngữ
3. Nội dung hợp đồng
4. Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán
5. Quyền và nghĩa vụ các bên
6. Phạt vi phạm hợp đồng, Bồi thường thiệt hại
7. Chấm dứt hợp đồng
8. Bảo mật
9. Giải quyết tranh chấp
10. Thỏa thuận chung
III. Dịch vụ tư vấn của Luật Phúc Cầu
Trên đây là những điều cơ bản cần biết khi soạn thảo, ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này, vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng để bàn luận và tìm hiểu.
Mỗi một ngành nghề đều có những vấn đề đặc thù, mỗi một lần hợp tác kinh doanh đều có kèm theo yêu cầu của mỗi bên về quyền, nghĩa vụ, công việc thực hiện… mà những nội dung cơ bản này không thể đáp ứng được hoặc doanh nghiệp không thể diễn tả cho thật khúc chiết, chặt chẽ.
Với dịch vụ Tư vấn Pháp lý StartUp, bạn sẽ nhận được những tư vấn chuyên sâu và có căn cứ pháp lý chắc chắn đến từ đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý, đồng thời các điều khoản hợp đồng cũng sẽ được xây dựng đúng theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được thời gian suy nghĩ về hợp đồng, tập trung vào công việc hiện tại và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong tương lai. Luật Phúc Cầu tự tin rằng sẽ mang đến cho Quý Khách hàng và Quý Công ty sự hài lòng nhất.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn và có nhiều điều chưa rõ . Hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và tư vấn miễn phí. Gọi cho chúng tôi !