Trên thực tế, có những vụ án hình sự qua phân tích hành vi thấy được mục đích của Bị cáo nhằm tước đoạt tính mạng của Bị hại, tuy nhiên Bị hại không chết. Trong trường hợp này, điều luật áp dụng và khung hình phạt để xử lý như thế nào? Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp thông qua bài tổng hợp án lệ sau đây.
1. Nguồn án lệ
Bản án hình sự phúc thẩm số 395/2021/HS-PT ngày 24/9/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án hình sự “Giết người” đối với các Bị cáo Nguyễn Bá T, Phạm Hoàng T1, Phạm Quang V, Nguyễn Đinh An K.
2. Khái quát nội dung của án lệ
-
Tình huống án lệ:
Bị cáo cố ý thực hiện hành vi nhằm tước đoạt tính mạng của bị hại, bị hại bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ là 100%.
-
Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định là hậu quả chết người chưa xảy ra, Bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt”.
3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, gồm các điều:
- Điều 15 – Phạm tội chưa đạt;
- Điều 123 – Tội giết người.
4. Tóm tắt nội dung vụ án
Nguyễn Bá T cùng Phạm Quang V, Phạm Hoàng T1 và Nguyễn Đinh An K là bạn bè xã hội. Đầu năm 2018, Nguyễn Bá T có quan hệ tình cảm với chị Lê Minh A1 (sinh năm 2002; trú tại tổ 41, phường Ô, quận Đ, Hà Nội), đến cuối năm 2018 thì hai người chia tay nhau. Qua tìm hiểu, Nguyễn Bá T biết chị Lê Minh A1 chuyển sang yêu anh Hồng Quốc A (sinh năm 2002; trú tại số nhà 9A, ngõ 344, ngách 50/1, đường N, phường T, quận L, Hà Nội), cùng là bạn cũ trong nhóm của Nguyễn Bá T, nên tỏ ra bực tức và muốn tìm đánh anh Hồng Quốc A để trả thù.
Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 05/01/2019, sau khi uống rượu, T gọi điện thoại cho K để hỏi về chuyện A yêu người yêu của T, đồng thời hẹn K ra khu vực chợ M ở phường B, quận H, Hà Nội để nói chuyện. Lúc này, K đang đi chơi cùng Nguyễn Hữu Nam S (sinh năm 2000), Vũ An K1 và đối tượng tên “K2” (chưa rõ lai lịch) trên 03 xe máy ở khu vực gần cầu C, K nhận điện thoại của T nên rủ S, K1 và K2 cùng đi ra khu vực chợ M để gặp T.
Nguyễn Bá T gọi điện cho K xong thì gặp Phạm Quang V ở khu vực đường C nên bảo V đi cùng có việc. V và T đi xe máy ra khu vực nóc hầm L, quận Đ, Hà Nội thì gặp Phạm Hoàng T1 cùng Phan Tuấn A2 (sinh năm 2000) và các đối tượng là Đ, D và 02 thanh niên khác (chưa rõ lai lịch). Đ hỏi T đi đâu thì T nói đi tìm A và hỏi lại Đ: “Có đi cùng không?” Đ và T1, Tuấn A2, D và 02 thanh niên kia đều đồng ý đi cùng. Sau đó, T cùng V, Phạm Hoàng T, Tuấn A2, Đ, D và 02 thanh niên chưa rõ lai lịch di chuyển bằng xe máy từ nóc hầm L đến khu vực chợ M. Tại đây, nhóm của Nguyễn Bá T gặp K, S, K1 và K2. Trong nhóm chỉ có K biết nhà Hồng Quốc A nên Nguyễn Bá T bảo K dẫn đường. Nguyễn Bá T dọa nếu K không chỉ đường thì sẽ coi K là kẻ thù. K đồng ý dẫn đường cho T và cả nhóm sang nhà anh Hồng Quốc A ở quận L. Trước khi đi, Nguyễn Bá T bảo mọi người vào đổ xăng tại cây xăng đường V quận H để T trả tiền, đồng thời bảo V đi lấy hung khí nhưng K và V ngăn lại nên thôi. Sau đó, Nguyễn Bá T cùng K, V, T1, Tuấn A2, K1, S, K2, Đ, D và 02 thanh niên chưa rõ lai lịch đi khoảng 05 xe máy.
Khi tới nhà anh A, Nguyễn Bá T gọi nhưng anh A không xuống; T dọa đốt nhà nên anh Hồng Quốc A sợ và đi xuống gặp T để nói chuyện, còn các đối tượng khác đi ra phía ngoài ngõ đứng chờ. Trong lúc nói chuyện, Nguyễn Bá T có hỏi về chuyện cướp người yêu nhưng anh Hồng Quốc A không thừa nhận. Lúc này, Phạm Quang V đi vào gọi anh Hồng Quốc A ra nói chuyện; anh Quốc A đi ra đầu ngõ, đến vị trí T1 đang đứng. Hai bên xảy ra xô xát. Lúc này, Nguyễn Bá T nói: “Đ nện nó” thì Đ lao vào dùng chân đá anh Hồng Quốc A làm bị hại ngã nghiêng người. Phạm Quang V lao vào kéo anh Hồng Quốc A lên và nói “Mày biết đòn tù thế nào không?” thì anh Quốc A gạt tay V ra; V dùng đầu gối thúc 01 cái vào vùng hông của anh Quốc A. Anh Hồng Quốc A lùi ra vị trí ban đầu khoảng 01m thì bị Đ lao vào dùng chân đá 01 phát vào mặt làm anh Quốc A ngã xuống đường, nằm trong tư thế hai tay ôm đầu. Đ tiếp tục dùng chân dẫm 03 – 04 cái vào vùng đầu của anh Hồng Quốc A. Thấy vậy, Phạm Hoàng T1 lao vào dùng chân đạp 01 cái vào vùng lưng anh Hồng Quốc A. Cùng lúc, Nguyễn Bá T đi từ trong ngõ ra và nói với Phạm Quang V là “Gỗ kìa”; đồng thời chỉ cho V miếng gỗ có diện khoảng (40×60)cm ở gần đấy. V đã nhặt miếng gỗ vung lên đập vào vùng đầu anh Hồng Quốc A, làm miếng gỗ bị tách làm đôi. Lúc này, Nguyễn Đinh An K và K2 chứng kiến nhóm của T đánh anh Hồng Quốc A xong và lên xe đi về. Đ tiếp tục nhặt mảnh gỗ bị vỡ để đập vào anh Hồng Quốc A. Khi bị hại vẫn nằm trên đường, Phạm Hoàng T1 lao đến dùng chân dẫm một cái vào vùng mặt anh Hồng Quốc A thì Nguyễn Bá T nói “Mày giết nó à”. Sau đó, Phạm Quang V lấy xe máy để về đến vị trí anh Quốc A nằm và nói: “Mày nằm im đấy, mai tao không thấy mày nằm đấy thì tao đánh mày tiếp”. Nguyễn Bá T cũng nói “Mày chết chưa” nhưng anh Hồng Quốc A chỉ cựa người không nói được gì. Sau đó tất cả các đối tượng lên xe đi về, anh Hồng Quốc A được người dân xung quanh đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện V.
Ngày 08/01/2019 và ngày 10/01/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận L thực hiện bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Đinh An K, Phạm Hoàng T1 và Phạm Quang V. Sau khi xảy ra vụ việc, Nguyễn Bá T đã bỏ trốn đến ngày 14/7/2019 ra đầu thú. Vụ án sau đó được chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền.
Tại bản Kết luận giám định pháp y thương tích số 68/TTPY ngày 16/01/2019 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế H đối với bị hại Hồng Quốc A xác định: “…Bị hại Hồng Quốc A bị gãy xương chính mũi, tụ dịch xoang hàm xoang bướm hai bên; tụ máu dưới màng cứng bán cầu trái, tụ máu khoang dưới nhện, phù não xoá ranh giới các cuộn não cả hai bán cầu, đường giữa lệnh phải. Hệ thống não mất cân đối. Tụ máu dưới da đầu đỉnh phải. Sưng nề trán thái dương trái; bầm tím sưng nề cánh cẳng tay hai bên; sưng nề vai, mu bàn tay trái. Kết luận: Anh Hồng Quốc A bị chấn thương sọ não, hiện sống thực vật. Hiện chưa đánh giá được mức độ di chứng do chấn thương sọ não gây nên, đề nghị giám định bổ sung khi ra viện. Nhiều khả năng các thương tích do vật tày gây nên. Tỷ lệ tổn hại sức khoẻ là 100%”.
Trách nhiệm dân sự: Trong giai đoạn điều tra vụ án, bà Phạm Thanh T2 (đại diện hợp pháp của bị hại Hồng Quốc A) xác nhận đại diện gia đình các bị cáo Phạm Hoàng T1, Phạm Quang V và Nguyễn Đinh An K đã bồi thường cho gia đình chị với tổng số tiền là 75.000.000 đồng. Bà T2 tiếp tục yêu cầu các bị cáo bồi thường cho bị hại Hồng Quốc A khi vụ án được đưa ra xét xử.
Ngày 18/5/2020, TAND thành phố Hà Nội ban hành Bản án hình sự sơ thẩm số 150/2020/HSST.
Ngày 25/5/2020, bị cáo Nguyễn Đinh An K có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 26/5/2020, bị cáo Nguyễn Bá T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 28/5/2020, bị cáo Phạm Quang V có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 29/5/2020, đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Phạm Thanh T2 có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo.
Tại Quyết định kháng nghị số 05/KN-VTVKS ngày 26/5/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội kháng nghị bản án sơ thẩm, theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Phạm Quang V, áp dụng khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Đinh An K.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; người đại diện hợp pháp cho bị hại Hồng Quốc A rút toàn bộ kháng cáo; đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Phạm Quang V, Nguyễn Đinh An K và Phạm Hoàng T1.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội rút toàn bộ kháng nghị; đề nghị giữ nguyên hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Bá T, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Phạm Quang V, Nguyễn Đinh An K và Phạm Hoàng T1- mỗi bị cáo khoảng từ 6 đến 12 tháng tù do tại phiên toà phúc thẩm các bị cáo này có thêm tình tiết giảm nhẹ mới là bồi thường thiệt hại.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bá T và bị cáo đều trình bày hoàn cảnh khó khăn (bị cáo từ nhỏ đã không biết mặt cha; mẹ lao động tự do, thu nhập thấp; bị cáo không biết chữ, không có nghề nghiệp); sau khi phạm tội bị cáo rất hối hận, mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư và bị cáo Phạm Hoàng T1 đề nghị xem xét giảm hình phạt cho bị cáo vì khi phạm tội bị cáo T1 mới 15 tuổi 4 tháng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ mất sớm, có ông nội được thưởng Huân chương kháng chiến; sau khi xét xử đã tác động gia đình bồi thường thêm số tiền 35.000.000 đồng.
Luật sư và bị cáo Phạm Quang V đều trình bày gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, bị cáo tác động bà nội bồi thường thêm cho bị hại số tiền 300.000.000 đồng và xuất trình bằng tổ quốc ghi công của liệt sỹ Nguyễn Văn A là cậu của bị cáo V nên đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Đinh An K xin lỗi gia đình bị hại về hành vi phạm tội đồng thời tác động gia đình thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án, bồi thường cho bị hại số tiền 150.000.000 đồng, đề nghị được giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Đinh An K cho rằng việc truy tố bị cáo ở khoản 1 của Điều 123 Bộ luật Hình sự là không phù hợp mà cần áp dụng Án lệ 17 để xét xử bị cáo ở khoản 2 của điều luật; việc rút kháng nghị bất lợi cho bị cáo là không đúng quy định tại Điều 336 Bộ luật Tố tụng hình sự; bị cáo đã hoàn thành nghĩa vụ bồi thường dân sự nên đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát tranh luận giữ nguyên quan điểm đã nêu trên.
Đại diện hợp pháp cho bị hại xác nhận gia đình các bị cáo Phạm Quang V và Nguyễn Đinh An K đã thực hiện xong trách nhiệm bồi thường dân sự theo bản án sơ thẩm; bị cáo Phạm Hoàng T1 bồi thường thêm 35.000.000 đồng. Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo đều đã xin lỗi người bị hại, ăn năn hối hận về hành vi phạm tội và đều có hoàn cảnh khó khăn nên rút yêu cầu kháng cáo, đề nghị giảm hình phạt cho các bị cáo Phạm Quang V, Nguyễn Đinh An K và Phạm Hoàng T1.
5. Nội dung án lệ
Nội dung án lệ được trích từ đoạn 4, 5 phần nhận định của Tòa án trong Bản án hình sự phúc thẩm số 395/2021/HS-PT ngày 24/9/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, cụ thể như sau:
“[4] Vụ án có đồng phạm, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm; Nguyễn Bá T cho rằng bị hại cướp người yêu của mình nên đã rủ các đối tượng khác đến nhà anh Hồng Quốc A trả thù và nói rõ mục đích tìm bị hại để “tiêu diệt nó”. Phạm Quang V, Nguyễn Đinh An K và Phạm Hoàng T1 không có mâu thuẫn với bị hại nhưng vẫn thống nhất ý chí cùng thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Bá T. Các bị cáo nhận thức được tính chất nguy hiểm và hậu quả của việc nhiều người đánh một người, cùng tác động vào những vị trí trọng yếu trên cơ thể, có khả năng làm người bị hại tử vong nhưng vẫn thực hiện. Hành vi liên tục tấn công, dùng chân tay, đánh, đấm vào người, vào mặt; dùng thanh gỗ đập vào đầu bị hại cho đến khi người bị hại nằm bất động; trước khi bỏ đi còn hỏi “mày giết nó à? ”, “mày chết chưa?…” thể hiện rõ tính chất côn đồ và ý thức chủ quan của các bị cáo là cùng cố ý tước đoạt tính mạng của bị hại. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử Nguyễn Bá T, Phạm Quang V, Phạm Hoàng T1, Nguyễn Đinh Anh K về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.
[5] Theo Kết luận giám định pháp y thương tích số 68/TTPY ngày 16/01/2019 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế H: “Anh Hồng Quốc A bị chấn thương sọ não, hiện sống thực vật… Tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 100%”. Như vậy, trong vụ án này, các bị cáo đã cố ý thực hiện hành vi nhằm tước đoạt đoạt tính mạng của bị hại nhưng hậu quả chết người không xảy ra, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự.”
6. Sự cần thiết của án lệ
Án lệ 45/2021/AL đã giải thích về tình tiết có tính chất côn đồ, xác định các vấn đề bao gồm: Ý thức của người phạm tội; công cụ, phương tiện phạm tội, mức độ tấn công, cường độ tấn công và tính chất của hành vi; nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội. Trong vụ án hình thành nên án lệ có thể thấy hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, mục đích nhằm tước đoạt tính mạng của Bị hại, không thực hiện được hành vi đến cùng và Bị hại không chết cũng là ngoài mong muốn của các bị cáo.
Đồng thời, Án lệ 45/2021/AL xác định rằng để thỏa mãn tội danh giết người thì phải có hậu quả chết người xảy ra còn bị hại không chết mặc dù có tỷ lệ tổn thương cơ thể là 100% thì thuộc trường hợp Phạm tội chưa đạt. Do đó, truy cứu trách nhiệm hình sự với các bị cáo về tội “Giết người” thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt” theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015 và Điều 15 BLHS 2015. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 57 BLHS 2015 quy định Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Như vậy, án lệ 45/2021/AL ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định điều luật và hình phạt áp dụng với các hành vi tương tự, tránh việc mỗi nơi áp dụng một một khung, khoản khác nhau, tạo tính thống nhất trong xét xử các vụ án có tình huống pháp lý tương tự.
7. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ
Án lệ số 45/2021/AL ra đời nhằm đưa ra hướng xử lý một cách thống nhất cho các vụ việc có tình huống pháp lý tương tự. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ như: Mục đích của hành vi phạm tội là tước đoạt mạng sống của người khác bằng những hành vi tấn công liên tục vào những vùng trọng yếu trên cơ thể (đầu, ngực…), mong muốn hậu quả chết người xảy ra, việc Bị hại không chết là ngoài mong muốn của Bị cáo.