Trong bối cảnh hội nhập, giao lưu kinh tế như hiện nay, việc người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng nhiều. Thế nên, nhu cầu mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam cũng ngày càng tăng cao. Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ trình bày cho Quý khách các thông tin về pháp lý xoay quanh việc người nước ngoài mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
- Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
- Thông tư số 02/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
- Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
1.Người nước ngoài có được mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam không?
Đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh nước ngoài được quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN như sau:
– Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Người chưa đủ 15 tuổi; người hạn chế năng lực hành vi dân sự; người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;
– Người có khó khăn trong nhận thức; làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
– Tổ chức được thành lập; hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân; doanh nghiệp tư nhân; hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 1 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định: “Việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của người cư trú và người không cư trú, tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của người không cư trú và người cư trú là cá nhân người nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định tại Thông tư này.”
Như vậy, cá nhân là người nước ngoài được mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN.
2. Hồ sơ mở tài khoản ngân hàng cho người nước ngoài tại Việt Nam
Căn cứ theo Điều 12 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN, hồ sơ mở tài khoản ngân hàng cho người nước ngoài bao gồm những giấy tờ sau:
Thứ nhất, Giấy đề nghị mở tài khoản ngân hàng theo mẫu của ngân hàng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản và phù hợp với quy định như sau:
Đối với cá nhân là người nước ngoài: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại; số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp; thị thực nhập cảnh (nếu có); địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài, nơi đăng ký cư trú tại Việt Nam; thuộc đối tượng người cư trú hay người không cư trú; mã số thuế (nếu có);
Trường hợp cá nhân mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật; ngoài thông tin của chủ tài khoản thì giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán của khách hàng phải có thêm thông tin về người đại diện theo pháp luật của khách hàng mở tài khoản, cụ thể:
– Nếu người đại diện theo pháp luật của khách hàng là cá nhân, thông tin về người đại diện theo pháp luật được thực hiện theo quy định;
– Nếu người đại diện theo pháp luật của khách hàng là tổ chức; thông tin gồm: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; địa chỉ giao dịch, số điện thoại, số fax (nếu có); lĩnh vực hoạt động; kinh doanh chính và người đại diện hợp pháp của tổ chức đó.
Thứ hai, các giấy tờ tùy thân.
Bao gồm thị thực nhập cảnh còn thời hạn; hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh.
– Trường hợp cá nhân mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ; người đại diện theo pháp luật thì ngoài các giấy tờ nêu trên; hồ sơ mở tài khoản thanh toán phải có thêm:
– Trường hợp người đại diện theo pháp luật là cá nhân: giấy tờ tuỳ thân của người đại diện theo pháp luật của cá nhân và các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đó đối với cá nhân mở tài khoản thanh toán;
– Trường hợp người đại diện theo pháp luật là pháp nhân: Quyết định thành lập; giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật; các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của pháp nhân đó đối với cá nhân mở tài khoản thanh toán; giấy tờ tuỳ thân và giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện hợp pháp của pháp nhân đó.
3. Trình tự, thủ thục mở tài khoản ngân hàng cho người nước ngoài
Căn cứ Điều 14 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 16/2020/TT-NHNN, thủ tục mở tài khoản cho người nước ngoài được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Khi có nhu cầu mở tài khoản thanh toán, khách hàng chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc phương tiện điện tử đến ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi đề nghị mở tài khoản thanh toán.
Bước 2: Ngân hàng kiểm tra, đối chiếu thông tin khách hàng
Khi nhận được hồ sơ mở tài khoản thanh toán của khách hàng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản và xử lý:
– Nếu các giấy tờ tại hồ sơ mở tài khoản thanh toán đã đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ và các yếu tố kê khai tại giấy đề nghị mở tài khoản hoàn toàn khớp đúng với các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng;
– Nếu các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán chưa đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ hoặc các yếu tố kê khai tại giấy đề nghị mở tài khoản chưa khớp đúng với các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông báo cho khách hàng để hoàn thiện hồ sơ;
– Trường hợp ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ chối mở tài khoản thanh toán thì phải thông báo cho khách hàng biết.
Bước 3: Giao kết thỏa thuận
Sau khi hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành giao kết thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán với khách hàng.
Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải gặp mặt trực tiếp khách hàng hoặc người đại diện theo pháp luật của khách hàng (đối với trường hợp mở tài khoản thông qua người đại diện theo pháp luật) để giao kết thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh
Bước 4: Thông báo thông tin về tài khoản cho khách hàng
Sau khi giao kết thoả thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán với khách hàng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông báo số hiệu, tên tài khoản thanh toán, ngày bắt đầu hoạt động của tài khoản thanh toán cho khách hàng.
Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đảm bảo thu thập mẫu chữ ký, chứng thư số (nếu có) của chủ tài khoản hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản và những người khác có liên quan (nếu có), mẫu dấu (nếu có, đối với chủ tài khoản là tổ chức) để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.
Trên đây là những vấn đề về Cách thức để Người nước ngoài mở tài khoản Ngân hàng tại Việt Nam. Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng /./