Kháng cáo là một trong những cơ sở pháp lý để phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Đây cũng là quyền quan trọng của công dân, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên có rất nhiều bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chưa nắm rõ được các quy định của pháp luật về kháng cáo dẫn đến quyền lợi của bản thân chưa được đảm bảo, thậm chí phải chịu án oan. Vì vậy, Luật Phúc Cầu sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Quyền và thời hạn kháng cáo theo quy định pháp luật qua bài viết sau đây.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 – BLTTHS;
- Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 – BLTTDS;
- Luật Tố tụng Hành chính 2015 – Luật TTHC.
1. Kháng cáo là gì?
Kháng cáo được hiểu là thủ tục tiến hành sau khi bản án được tuyên tại phiên tòa sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành ngay, trong khoảng thời gian 15 ngày nếu không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm thì các bên có quyền nộp đơn kháng cáo để yêu cầu xét xử bản án đó.
Sau khi hết thời hạn kháng cáo, nếu không có bên nào kháng cáo thì bản án sẽ được xem là có hiệu lực pháp luật.
2. Ai có quyền kháng cáo?
2.1. Kháng cáo trong tố tụng Hình sự
Tại Điều 331 BLTTHS quy định người có quyền kháng cáo bao gồm:
- Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm;
- Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ;
- Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
2.2. Kháng cáo trong tố tụng Dân sự
Tại Điều 271 BLDS quy định người có quyền kháng cáo là:
- Đương sự;
- Người đại diện hợp pháp của đương sự;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện.
2.3. Kháng cáo trong tố tụng Hành chính
Tại Điều 204 Luật TTHC quy định người có quyền kháng cáo là:
- Đương sự;
- Người đại diện hợp pháp của đương sự.
3. Thời hạn kháng cáo
3.1. Thời hạn kháng cáo trong tố tụng Hình sự
Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 7 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
Ngày kháng cáo được xác định như sau :
- Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi.
- Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giam giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn.
- Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.
3.2. Thời hạn kháng cáo trong tố tụng Dân sự
Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm 7 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức,cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định pháp luật.
Lưu ý: Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
3.3. Thời hạn kháng cáo trong tố tụng Hành chính
Tại Điều 206 Luật TTHC quy định về thời hạn kháng cáo cụ thể như sau:
Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở trong trường hợp người có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức.
Lưu ý: Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giữ hoặc bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam.
—-Xem thêm: Quá thời hạn quy định thì có được kháng cáo không?—–