KINH DOANH ONLINE CÓ CẦN NỘP THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN KHÔNG?

Trong vài năm gần đây, khi Internet và số lượng người dùng smartphone ở Việt Nam phát triển bùng nổ thì kéo theo đó, loại hình kinh doanh online dần trở thành trào lưu thịnh hành. Vậy kinh doanh online là gì? Kinh doanh online có cần khai báo thuế thu nhập cá nhân không? Mức doanh thu phải nộp thuế thu nhập cá nhân là bao nhiêu? Cách tính thuế thu nhập cá nhân bán hàng online được tính như thế nào? Thông qua bài viết dưới đây, Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp cho Quý khách hàng về các vấn đề nêu trên:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2014);
  • Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 71/2014/QH13 và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lí thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
  • Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của bộ trưởng bộ tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lí thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;

1. Kinh doanh online là gì?

Trước khi Internet ra đời, chúng ta giao dịch, mua bán, trao đổi hàng hóa theo phương thức truyền thống thông qua các cửa hàng, chợ, siêu thị,… Với phương thức này, ta có thể thoải mái xem xét, lựa chọn trực tiếp các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ song lại hạn chế về mặt thời gian và không gian. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức, không cần phải đến trực tiếp địa điểm để xem mặt hàng, hình thức kinh doanh online ra đời và ngày càng trở nên phổ biến, được nhiều người lựa chọn;

Dựa trên thực tế có thể hiểu, Kinh doanh online là hình thức trao đổi, mua bán các sản phẩm thương mại trên mạng thông qua các website bán hàng, các trang mạng xã hội như facebook, instagram, tiktok,… hay các kênh thương mại điện tử như shopee, tiki, lazada,… Kinh doanh theo hình thức này sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí liên quan đến mặt bằng và chi phí thuê nhân viên bán hàng.

2. Kinh doanh online có cần nộp thuế thu nhập cá nhân không?

Tại quy định của Điểm đ Khoản 1 Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì hoạt động thương mại điện tử là đối tượng phải nộp các loại thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Trong đó, theo khoản 11 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC và khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì “Hoạt động thương mại điện tử” là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Từ những quy định trên, cá nhân kinh doanh online vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, không phải trường hợp cá nhân kinh doanh online nào cũng phải chịu thuế TNCN, cụ thể:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC:

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân;”

Như vậy, cá nhân kinh doanh online có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Ngược lại, cá nhân kinh doanh online có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp loại thuế này.

3. Phương pháp tính thuế đối kinh doanh online

Tùy vào từng trường hợp kinh doanh online cụ thể sẽ có các phương pháp khai, nộp thuế thu nhập cá nhân khác nhau. Trong đó, phương pháp khoán phương pháp khai, nộp thuế thay cho cá nhân là hai phương pháp phổ biến hơn cả, cụ thể như sau:

  • Hộ, cá nhân kinh doanh online thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán

Căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC, phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh;

Trên thực tế, khi hộ, cá nhân kinh doanh online (không gồm trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch thương mại điện tử) chủ yếu nộp thuế theo phương pháp này;

  • Hộ, cá nhân kinh doanh online thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân

Cá nhân kinh doanh online thực hiện nộp thuế theo phương pháp tính thuế đối với trường hợp tổ chức khai, nộp thuế thay cho cá nhân khá phổ biến, đó là trường hợp kinh doanh qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, Lazada, Sendo,…

Một trong những trường hợp mà tổ chức khai nộp thuế thay được nêu rõ tại điểm đ khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC như sau: Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự”;

Theo đó, cá nhân kinh doanh online qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) có thể uỷ quyền cho chủ sản TMĐT khai, nộp thuế thay cho cá nhân theo tháng hoặc quý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;

4. Cách tính thuế thu nhập cá nhân khi kinh doanh online

Căn cứ khoản 3 Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC, số thuế thu nhập cá nhân mà hộ, cá nhân kinh doanh online có doanh thu trên 100 triệu/năm phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số thuế TNCN = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó:

Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động kinh doanh online là hoạt động phân phối cung cấp hàng hóa nên tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5% (theo Phụ lục 1 Danh mục ngành nghề tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC);

Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân cụ thể như sau: Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả:

  • Các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại;
  • Chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền;
  • Các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định;
  • Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân).

Khi tính thuế thu nhập cá nhân kinh doanh online cần lưu ý:

  • Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề;
  • Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định pháp luật về quản lý thuế;
  • Doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền;
  • Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ luatsu@luatphuccau.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *