Các doanh nghiệp thường thành lập kho hàng ở nhiều nơi để thuận tiện cho việc vận chuyển. Kho hàng được xem là mắt xích quan trọng trong việc quản lý chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy kho hàng là gì? Kho hàng không kinh doanh, sản xuất có phải nộp thuế môn bài không? Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp thắc mắc cho Quý Khách hàng về các vấn đề trên:
Căn cứ pháp lý:
- Luật doanh nghiệp năm 2020;
- Luật Phí và lệ phí năm 2015;
- Luật Quản lý thuế 2019;
- Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài;
- Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài;
- Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều luật của Luật Quản lý thuế;
- Công văn số 38888/CCT-KKKTT&TH ngày 18/12/2017 hướng dẫn các Doanh nghiệp trên địa bàn về việc nộp lệ phí môn bài năm 2018.
1. Kho hàng là gì?
Kho hàng là một không gian trống được dùng để bảo quản, lưu trữ các loại hàng hóa khác nhau để phục vụ cho các mục đích sản xuất, kinh doanh.
Kho hàng của doanh nghiệp được hiểu như là một đơn vị phụ thuộc. Là nơi cất giữ, lưu trữ nguyên liệu, vật tư, hàng hóa, thành phẩm trong quá trình chuyển từ điểm đầu tới điểm cuối của dây chuyền cung ứng mang lại khả năng lưu trữ, bảo quản, chuẩn bị hàng hóa cho doanh nghiệp, đảm bảo được số lượng hàng hóa luôn được cung ứng liền mạch cả về chất lượng và số lượng;
Kho hàng là nơi không thể thiếu đối với các nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng, siêu thị,… với nhiều loại hình và khả năng lưu trữ khác nhau.
2. Lệ phí môn bài?
2.1. Khái niệm
Hiện nay tại Luật Phí và lệ phí năm 2015 cùng các văn bản hướng dẫn không có điều khoản nào định nghĩa hay giải thích lệ phí môn bài là gì. Tuy nhiên, căn cứ theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Thông tư 302/2016/TT-BTC thì lệ phí môn bài được hiểu như sau:
Lệ phí môn bài là khoản tiền phải nộp định kỳ hàng năm hoặc khi mới ra sản xuất, kinh doanh dựa trên số vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với tổ chức) hoặc doanh thu của năm (đối với hộ, cá nhân kinh doanh);
2.2. Mức thu lệ phí môn bài
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC và Nghị định 139/2016/NĐ-CP, mức thu lệ phí môn bài doanh nghiệp như sau:
– Đối với vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: Nộp 3 triệu đồng/năm.
– Đối với vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư dưới 10 tỷ đồng: Nộp 2 triệu đồng/năm.
– Đối với vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: Nộp 1 triệu đồng/năm.
2.3. Thời hạn nộp lệ phí môn bài
Khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định về thời hạn nộp lệ phí môn bài:
“a) Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.
b) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định doanh thu làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp và thông báo cho người nộp lệ phí môn bài thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định này”.
3. Kho hàng không kinh doanh, sản xuất có phải nộp lệ phí môn bài không?
Tại Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, lệ phí môn bài áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh
- Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cũng theo Công văn số 38888/CCT-KKKTT&TH: Tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có kho hàng, xưởng sản xuất thì không phải nộp Lệ phí môn bài cho kho hàng, xưởng sản xuất. Trường hợp tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có trung tâm trực thuộc, VPGD mà trung tâm trực thuộc, VPGD có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá dịch vụ thì phải nộp Lệ phí môn bài cho trung tâm trực thuộc, VPGD và ngược lại trung tâm trực thuộc, VPGD không có hoạt động sản xuất kinh doanh thì không phải nộp Lệ phí môn bài.
Như vậy, Kho hàng nếu chỉ có chức năng chứa hàng, không phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì sẽ KHÔNG phải nộp lệ phí môn bài.
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ luatsu@luatphuccau.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./