CÁC LOẠI THUẾ CẦN PHẢI NỘP SAU KHI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Khi thành lập doanh nghiệp, thuế là một trong những khoản bắt buộc phải đóng đối với hầu hết doanh nghiệp. Vậy các loại thuế phải nộp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp bao gồm những loại nào? Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ giúp Quý Khách hàng tìm hiểu rõ vấn đề này!

Căn cứ pháp lý:

– Luật Thuế giá trị gia tăng 2008;

– Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi 2013) – Luật Thuế TNDN;

– Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế;

– Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài;

– Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn lệ phí môn bài;

– Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi bổ sung 2014);

Thông tư 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên;

– Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010;

1. Lệ phí môn bài

Từ ngày 01/01/2017, cách gọi “thuế môn bài” được thay thế bằng “lệ phí môn bài”, đây là khoản tiền phải đóng định kỳ hằng năm hoặc khi vừa mới ra sản xuất, kinh doanh dựa trên số vốn điều lệ ghi trong giấy đăng ký kinh doanh/vốn đầu tư đăng ký, trong giấy đăng ký đầu tư (đối với tổ chức) hoặc dựa trên doanh thu của năm (đối với hộ, cá nhân kinh doanh).

Sau khi thành lập, doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và tiến hành nộp phí môn bài cho Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC và Nghị định 139/2016/NĐ-CP, mức thu lệ phí môn bài doanh nghiệp  cụ thể như sau:

– Đối với vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: Nộp 3 triệu đồng/năm.

– Đối với vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư dưới 10 tỷ đồng: Nộp 2 triệu đồng/năm.

– Đối với vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp  hoặc đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: Nộp 1 triệu đồng/năm.

Thời gian nộp lệ phí môn bài chậm nhất là vào ngày 30/1 hàng năm, trừ một số trường hợp được quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Đối với doanh nghiệp mới thành lập sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12). Ngoài ra, khi hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được miễn lệ phí môn bài trong 03 năm đầu.

  • Lưu ý khi nộp lệ phí môn bài: 

– Lệ phí môn bài nộp theo từng năm. Theo quy định tại Thông tư 302/2016/TT-BTC thì doanh nghiệp thành lập từ 01/01 đến 30/06 phải nộp đủ 100% lệ phí môn bài. Nếu thành lập từ 01/07 đến 31/12 thì nộp 50% mức nộp lệ phí môn bài theo quy định.

– Nếu doanh nghiệp thay đổi vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ, mức lệ phí môn bài phải đóng sẽ dựa vào vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ của năm trước liền kề với năm tính lệ phí môn bài.

– Trường hợp vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ ngoại tệ, doanh nghiệp cần quy đổi Việt Nam Đồng. Điều này nhằm mục đích làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại – nơi doanh nghiệp nộp lệ phí môn bài mở tài khoản ngay thời điểm nộp thuế doanh nghiệp.

2. Thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng 2008, thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) là một trong các loại thuế phải nộp của doanh nghiệp tính trên giá trị tăng thêm của dịch vụ, hàng hóa phát sinh thêm trong quá trình sản xuất và lưu thông đến tay người tiêu dùng.

Thuế giá trị gia tăng được tính trên tất cả hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh. Có ba mức thuế là 0%, 5% và 10% được áp dụng tùy vào từng loại dịch vụ, sản phẩm và hàng hóa của doanh nghiệp đó.

  • Cách tính thuế GTGT

2 phương pháp tính thuế GTGT:

– Phương pháp khấu trừ: Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào

– Phương pháp trực tiếp: Số thuế GTGT phải nộp =Thuế GTGT của hàng hóa x Thuế suất GTGT của hàng hóa đó

Hiện nay, đa phần những doanh nghiệp mới thành lập thường áp dụng phương pháp khấu trừ. Với các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc khai thuế giá trị gia tăng sẽ được thực hiện theo quý.

Sau khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng, từ năm tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của năm trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý hoặc theo tháng trong các hạng mục thuế doanh nghiệp.

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa về loại thuế này. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở pháp lý và quy định về Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, ta có thể hiểu: Thuế thu nhập doanh nghiệp ( thuế TNDN) là loại thuế trực thu, đánh vào doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có mức thu nhập phải chịu thuế bao gồm từ hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất, hoạt động vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và những thu nhập khác của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

  • Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp:

Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) x Thuế suất TNDN

Trong đó:

– Thu nhập tính thuế = (Doanh thu + Các khoản thu nhập khác) – (Chi phí sản xuất, kinh doanh + Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển).

– Thuế suất của thuế thu nhập doanh nghiệp được căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp trong năm, cụ thể:

+ Doanh thu 20 tỷ đồng: Thuế suất 20%

+ Doanh thu trên 20 tỷ đồng: Thuế suất 22%

+ Một số trường hợp khác, mức thuế sẽ là 32%, 40%, 50%

Từ năm 2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ quy định các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất thông thường nêu trên.

  • Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:

– Hàng quý, chậm nhất là vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp phải thực hiện tạm “nộp thuế thu nhập doanh nghiệp” của quý đó.

– Chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính (đối với các doanh nghiệp lựa chọn kỳ kế toán khác năm dương lịch), doanh nghiệp  phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN đến Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.

4. Thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế mà công ty nộp thay cho người lao động, được tính theo tháng, kê thai theo tháng hoặc quý và kết toán theo năm.

       Căn cứ tính thuế TNCN dựa vào thu nhập chịu thuế và thuế suất.

Công thức tính thuế TNCN:  Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất

Trong đó:

– Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ gia cảnh.

– Thuế suất thuế TNCN được quy định tại Điều 22 và Điều 23 Luật Thuế TNCN 2007 sửa đổi, bổ sung 2012 và 2014

5. Một số loại thuế khác

5.1. Thuế xuất nhập khẩu

Chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, được tính dựa trên các phương pháp bao gồm:

– Tính thuế theo tỷ lệ % dựa trên giá tính thuế và thuế suất của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế.

– Tính thuế theo phương pháp tuyệt đối và tính thuế theo phương pháp hỗn hợp trong đó số tiền thuế được xác định căn cứ vào lượng hàng hóa thực tế xuất khẩu hay nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại thời điểm tính thuế.

  • Công thức tính thuế xuất nhập khẩu:

Mặt hàng áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm: Thuế xuất nhập khẩu phải nộp = Số lượng hàng hóa thực tế xuất, nhập khẩu X Trị giá tính thuế trên mỗi đơn vị X Thuế suất thuế xuất nhập khẩu.

Mặt hàng áp dụng thuế suất tuyệt đối: Thuế xuất nhập khẩu phải nộp = Số lượng hàng hóa thực tế xuất nhập khẩu X Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị.

5.2. Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Là loại thuế chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014.

Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

  • Công thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt:

Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp = Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt * Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt

5.3. Thuế tài nguyên

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm thuế tài nguyên. Tuy nhiên, thuế tài nguyên có thể được hiểu là một loại thuế gián thu mà cá nhân, tổ chức phải nộp cho nhà nước khi khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế và thuế suất.

  • Công thức tính thuế tài nguyên theo kỳ như sau:

– Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 152/2015/TT-BTC, thuế TN phải nộp trong kỳ được xác định theo công thức sau:

Thuế TN phải nộp trong kỳ = Sản lượgng tài nguyên tính thuế * Giá tính thuế đơn vị tài nguyên * Thuế suất thuế tài nguyên

– Trường hợp được cơ quan nhà nước ấn định mức thuế TN phải nộp trên một đơn vị tài nguyên khai thác thì số thuế TN phải nộp được xác định như sau:

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế * Mức thuế TN ấn định trên một đơn vị tài nguyên khai thác

5.4. Thuế bảo vệ môi trường

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 đã quy định như sau:

“Thuế bảo vệ môi trường là khoản thu của ngân sách nhà nước nhằm điều tiết các hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường.”

   Thuế bảo vệ môi trường được xem là một loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Đây là phí để sử dụng mục đích cải tạo môi trường, xử lý chất thải nơi doanh nghiệp hoạt động. (Nếu doanh nghiệp không kinh doanh ảnh hưởng tới môi trường thì không cần nộp).

  • Công thức tính thuế bảo vệ môi trường:

Thuế bảo vệ môi trường phải nộp = Số lượng đơn vị hàng hoá chịu thuế * Mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hoá

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *