Trong quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự, việc chứng minh tôi phạm đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định tội phạm. Vậy, chứng minh tội phạm như thế nào? Ai có nghĩa vụ chứng minh tội phạm? Trường hợp không chứng minh được tội phạm thì phải xử lý như thế nào? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – BLTTHS
1. Chứng minh tội phạm là gì?
Theo Khoản 1 Điều 8 BLHS 2015 quy định về khái niệm tội phạm:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.”
Như vậy, Chứng minh tội phạm là thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội.
Cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, kết luận bị can, bị cáo phạm tội hay không phạm tội.
2. Trách nhiệm chứng minh tội phạm
Tại Điều 15 BLTTHS quy định như sau:
“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”
Như vậy, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền đưa ra chứng cứ để chứng minh sự vô tội hoặc giảm trách nhiệm hình sự nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác dịnh có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bao gồm:
- Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án.
- Người tiến hành tố tụng bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
3. Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự
Để chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự thì vấn đề quan tâm hàng đầu chính là các cấu thành tội phạm. Cấu thành tội phạm chính là tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng cho một loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Tuy nhiên, không phải bất cứ cấu thành tội phạm nào cũng có những dấu hiệu bắt buộc giống nhau; có những dấu hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các cấu thành tội phạm, có những dấu hiệu có trong cấu thành tội phạm của tội này nhưng lại không có trong cấu thành tội phạm của tội khác. Song, để chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự thì đối với bất cứ một tội phạm nào, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đều phải chứng minh được những vấn đề sau:
- Dấu hiệu hành vi thuộc yếu tố mặt khách quan của tội phạm;
- Dấu hiệu lỗi thuộc yếu tố mặt chủ quan của tội phạm;
- Dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi thuộc yếu tố chủ thể của tội phạm.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 85 BLTTHS thì khi điều tra, xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:
- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
- Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
- Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
- Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
- Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
4. Không chứng minh được tội phạm thì sau bao lâu phải thả người?
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 BLHS thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLHS quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Theo đó, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do BLHS quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Theo thủ tục tố tụng hình sự, việc tạm giữ tuân theo quy định sau:
- Không được quá 3 ngày, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
- Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá 3 ngày.
- Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 3 ngày.
Bên cạnh đó, Điều 172 BLHS quy định, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Theo đó, nếu cơ quan tiến hành tố tụng nhận thấy người bị bắt không thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải thả họ ngay chứ không đợi đến khi thời hạn điều tra kết thúc mới thả.
Như vậy, người bị tình nghi (bị bắt giữ trước khi khởi tố bị can), bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Nói cách khác, người bị bắt giữ, bị can, bị cáo có quyền đưa ra các chứng cứ để chứng minh mình không phạm tội. Ví dụ, chứng minh mình vô tội bằng việc đưa ra chứng cứ về thời gian xảy ra vụ việc mình không ở đó và không thể thực hiện hành vi phạm tội hoặc đưa ra chứng cứ chứng minh có người khác, chứ không phải mình, đã thực hiện tội phạm… Song, vì lý do nào đó, người bị bắt giữ, bị can, bị cáo cũng có thể từ chối chứng minh sự vô tội của mình thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể coi họ là người phạm tội.
Trên đây là bài viết của Luật Phúc Cầu về vấn đề “Chứng minh tội phạm”. Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.