Hiện nay, Tòa án thường xuyên được yêu cầu giải quyết tranh chấp chia di sản mà Người Để Lại Di Sản chết trước ngày 01/01/2017 (tức là thời điểm mở thừa kế trước thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực). Trong trường hợp này, Tòa án sẽ áp dụng thời hiệu yêu cầu chia di sản như thế nào? Án lệ số 26/2018/AL đã có hướng giải quyết đối với trường hợp trên.
1. Nguồn án lệ
Quyết định giám đốc thẩm số 06/2017/DS-GĐT ngày 27/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản và chia tài sản chung” ở Hà Nội giữa các bên:
- Nguyên đơn: ông Cấn Xuân V, bà Cấn Thị N1, bà Cấn Thị T1, bà Cấn Thị H, ông Cấn Xuân T, bà Cấn Thị N2, bà Cấn Thị M1. Người đại diện cho các đồng nguyên đơn là bà Cấn Thị N2;
- Bị đơn: cụ Nguyễn Thị L, ông Cấn Anh C. Người đại diện cho các đồng bị đơn theo ủy quyền là ông Lê Hồng L.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: gồm 07 người.
2. Khái quát nội dung án lệ
- Tình huống án lệ:
Người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.
3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ
- Khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 – Thời hiệu thừa kế;
- Khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990 – Thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
4. Tóm tắt nội dung vụ án
Đại diện các Nguyên đơn là bà Cấn Thị N2 trình bày:
Cụ Cấn Văn K và cụ Hoàng Thị T sinh được 8 người con gồm các ông, bà: Cấn Xuân V, Cấn Thị N1, Cấn Thị N2, Cấn Thị M1, Cấn Thị T1, Cấn Thị H, Cấn Xuân T, Cấn Văn S (chết năm 2008) có vợ là bà Nguyễn Thị M và hai con là Cấn Thùy L và Cấn Hoàng K.
Năm 1972 cụ T chết. Năm 1973, cụ K kết hôn với cụ Nguyễn Thị L sinh được 4 người con là các ông, bà: Cấn Thị C, Cấn Thị M2, Cấn Anh C và Cấn Thị T2.
Sinh thời cụ K, cụ T tạo lập được 612m2 đất, trên đất có 2 căn nhà 3 gian, tọa lạc tại thôn T, xã P, huyện Th, thành phố Hà Nội, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2002 đứng tên hộ cụ Cấn Văn K. Sau khi cụ T chết, toàn bộ nhà đất nêu trên do cụ K và cụ L quản lý. Năm 2002 cụ K chết, khối tài sản này do cụ L và ông Cấn Anh C quản lý.
Cụ K và cụ T chết không để lại di chúc. Nay các đồng nguyên đơn là con cụ K với cụ T khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của cụ T và chia di sản thừa kế của cụ K theo quy định của pháp luật, trong đó bà N1, bà N2, bà M1, bà T1, bà H, ông T, bà C và bà Nguyễn Thị M (vợ ông S) đề nghị kỷ phần ông, bà được hưởng giao lại cho ông V làm nơi thờ cúng cha mẹ, tổ tiên.
Bị đơn là cụ Nguyễn Thị L và ông Cấn Anh C trình bày:
Về quan hệ huyết thống và di sản thừa kế như Nguyên đơn trình bày là đúng. Cụ L thừa nhận trước khi kết hôn với nhau, cụ K đã có các tài sản là 3 gian nhà cấp 4 lợp rạ và 3 gian bếp trên diện tích đất 612m2. Quá trình quản lý, sử dụng, vợ chồng cụ có cải tạo và xây dựng lại một số công trình phụ, tường bao như hiện nay. Năm 2002, Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ cụ Cấn Văn K. Thời điểm này hộ cụ K có 06 người gồm: Cụ K, cụ L, ông T, bà M2, bà T2 và ông C. Nay các nguyên đơn khởi kiện, cụ L và ông C đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Bà Cấn Thị C, bà Cấn Thị T2, bà Cấn Thị M2, bà Nguyễn Thị M, bà Lê Thị H thừa nhận quan hệ huyết thống như Nguyên đơn, Bị đơn khai và đề nghị giải quyết theo pháp luật. Nếu yêu cầu của Nguyên đơn được chấp nhận, kỷ phần của bà Nguyễn Thị M, bà C giao lại cho ông V; kỷ phần của bà M2 để lại cho ông C; bà T2 xin được nhận kỷ phần của mình.
Ngày 20/7/2012, TAND thành phố Hà Nội ban hành Bản án dân sự sơ thẩm số 30/2012/DS-ST.
Ngày 13/8/2012, cụ L và ông C kháng cáo.
Ngày 17/6/2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội quyết định ban hành Bản án dân sự phúc thẩm số 106/2013/DS-PT.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 05/4/2014, bà Cấn Thị N2 đại diện các Nguyên đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.
5. Nội dung án lệ
Nội dung án lệ trích từ đoạn 5, 6, 7 phần Nhận định của Tòa án trong Quyết định giám đốc thẩm số 06/2017/DS-GĐT ngày 27/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể như sau:
“[5] Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017), thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.
[6] Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự này có hiệu lực, thì thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.
[7] Như vậy kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/01/2017. Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990 và Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp này thời hiệu khởi kiện chia di sản của cụ T cho các đồng thừa kế vẫn còn theo quy định của pháp luật.”
6. Sự cần thiết của án lệ
Án lệ đã giải quyết vấn đề pháp lý quan trọng liên quan đến thời hiệu yêu cầu chia di sản đó là áp dụng thời hiệu mới (30 năm đối với di sản là bất động sản) cho những thừa kế được mở trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực. Bên cạnh đó, đối với thời điểm mở thừa kế trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990 thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế. Điều này nhằm giải quyết các tranh chấp về chia di sản thừa kế, đảm bảo quyền lợi của công dân.
7. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ
Trường hợp tạo lập nên án lệ là người để lại di sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế. Tuy nhiên, nội dung Án lệ cũng được áp dụng đối với trường hợp cá nhân để lại di sản chết sau khi Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990 được công bố.