Pháp luật cạnh tranh thừa nhận tập trung kinh tế (TTKT) là một quyền hợp pháp của doanh nghiệp. Tập trung kinh tế mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như giúp các nhà đầu tư mở rộng thị trường, giảm chi phí đầu tư, chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp thông tin cho Quý khách hàng các vấn đề liên quan về Tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật hiện hành
Căn cứ pháp lý:
- Luật Cạnh tranh năm 2018;
- Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định chi tiết một số điều của luật cạnh tranh.
1. Khái niệm tập trung kinh tế
Pháp luật hiện hành không đưa ra khái niệm về tập trung kinh tế mà chỉ liệt kê các hình thức tập trung kinh tế. Căn cứ theo Điều 29 Luật cạnh tranh, có thể hiểu Tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp, các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
Về hậu quả của hoạt động tập trung kinh tế có thể nhận thấy ở thực tế thì hậu quả của một thương vụ tập trung kinh tế thường diễn ra theo hai xu hướng: (i) làm chấm dứt hoạt động kinh doanh của một bên trong giao dịch thường là doanh nghiệp mục tiêu; (ii) có thể hình thành nên một doanh nghiệp mới có quy mô lớn hơn với những sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, ban điều hành, lao động, thương hiệu trên thị trường…
Như vậy, các hành vi tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh bao gồm hiện tượng tập trung theo chiều ngang (giữa các doanh nghiệp có cùng thị trường liên quan), tập trung theo chiều dọc (giữa các doanh nghiệp thuộc những cấp độ khác nhau của quá trình kinh doanh) và tập trung hỗn hợp (giữa các doanh nghiệp không cùng ngành nghề kinh doanh).
2. Hình thức tập trung kinh tế
Căn cứ tại Điều 29 Luật Cạnh tranh năm 2018, tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau:
- Sáp nhập doanh nghiệp
Theo khoản 2 Điều 29 Luật Cạnh tranh năm 2018 thì “Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập”.
Như vậy, sau khi sáp nhập, doanh nghiệp bị sáp nhập không còn tồn tại và bị xoá tên trong sổ đăng kí kinh doanh. Công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp và chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty bị sáp nhập. Khái niệm sáp nhập doanh nghiệp trong Luật cạnh tranh tương tự khái niệm sáp nhập doanh nghiệp quy định trong Luật doanh nghiệp nhưng mục tiêu điều chỉnh hoạt động sáp nhập trong hai văn bản luật này khác nhau. Trong Luật doanh nghiệp, sáp nhập được điều chỉnh với tư cách là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp nên pháp luật quy định chủ yếu về tư cách pháp lý của doanh nghiệp sau khi sáp nhập, quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp sau sáp nhập. Còn trong Luật cạnh tranh, sáp nhập là một hình thức tập trung kinh tế nên bị kiểm soát nhằm ngăn ngừa khả năng hình thành doanh nghiệp có sức mạnh trên thị trường và có khả năng thực hiện hành vi gây cản trở cạnh tranh.
Có thể nói đây là một trong những hình thức tập trung kinh tế khá phổ biến vì lợi ích của nó mang lại sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô doanh nghiệp và phạm vi kinh doanh, giảm thiểu sự trùng lặp trong mạng lưới phân phối, tiết kiệm các khoản chi phí hoạt động và chi phí quản lý.
- Hợp nhất doanh nghiệp
Theo khoản 3 Điều 29 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định: “Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất”.
Sau khi hợp nhất doanh nghiệp, các doanh nghiệp bị hợp nhất chấm dứt sự tồn tại. Công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất. Khái niệm hợp nhất trong Luật cạnh tranh tương tự khái niệm hợp nhất quy định trong Luật doanh nghiệp. Hợp nhất doanh nghiệp cũng làm thay đổi cơ cấu vốn của doanh nghiệp hình thành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn các doanh nghiệp trước đó.
- Mua lại doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật cạnh tranh như sau:
“Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vẩn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiêp hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.
Cần lưu ý là một số trường hợp mua lại doanh nghiệp khác không bị coi là tập trung kinh tế. Đó là trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng mua lại doanh nghiệp khác nhằm mục đích bán lại trong thời hạn dài nhất là 01 năm; doanh nghiệp mua lại không thực hiện quyền kiểm soát hoặc chi phối doanh nghiệp bị mua lại, hoặc thực hiện quyền này chỉ trong khuôn khổ bắt buộc để đạt được mục đích bán lại đó.
- Liên doanh giữa các doanh nghiệp
Khái niệm về liên doanh (với tư cách là một hình thức tập trung kinh tế) theo pháp luật cạnh tranh của Việt Nam cũng tương tự như pháp luật cạnh tranh của Pháp và Liên minh châu Âu. Theo đó, pháp luật của Pháp và liên minh châu Âu cho rằng liên doanh là hình thức tập trung kinh tế và có sự đầu tư góp vốn của doanh nghiệp nhưng lưu ý là nếu góp thêm vốn để tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp không được coi là tập trung kinh tế. Chỉ khi các nhà đầu tư góp vốn để thành lập một doanh nghiệp chung (doanh nghiệp liên doanh) nhằm thực hiện các chức năng của một chủ thể kinh tế độc lập mới được coi là tập trung kinh tế.
- Các hành vi tập trung kinh tế khác
Đây là cách xây dựng pháp luật phổ biến của Việt Nam khi sử dụng phương pháp liệt kê nhưng vẫn dự phòng một điều khoản mở. Quy định dự phòng nhằm để cho phép bổ sung khi cần thiết những hành vi tập trung kinh tế khác đã được ghi nhận ở pháp luật chuyên ngành hoặc có thể sẽ xuất hiện trong thực tiễn kinh doanh.
Để được tư vấn chi tiết hơn về M&A và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng /./