⚜️ CẤU TRÚC PHÁP LÝ THƯƠNG VỤ THAIBEV THÂU TÓM SABECO ⚜️ ThaiBev – Sabeco acquisition: Legal structure

? Vấn đề pháp lý:

Cuối năm 2017, thương vụ ThaiBev Holding (ThaiBev) chi gần 110.000 tỷ Đồng (gần 5 tỷ USD) để sở hữu gián tiếp 53,59% cổ phần của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã trở thành thương vụ thâu tóm lớn nhất ngành bia châu Á. Đây cũng được xem là một trong những thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam. Thương vụ trên có rất nhiều vấn đề pháp lý đáng quan tâm, đặc biệt là cách để một Pháp Nhân Nước Ngoài có quyền chi phối một công ty Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Những vấn đề pháp lý liên quan đến thương vụ trên sẽ được Luật Phúc Cầu trình bày trong bài viết dưới đây

? Transaction overview

  • Indirect acquirer: ThaiBev – Thailand’s largest and one of SEA’s largest beverage companies
  • Direct Acquirer: VietBev – founded in 2017 – the year the deal takes place
  • Acquiree: Sabeco – a leading beer producer in Vietnam – listed in HOSE (ticker: SAB)
  • Deal size: US$4.8b for nearly 345m SAB shares, equivalent of 53.59% ownership (majority) at VND320,000/share (biggest M&A deal in the history of Vietnam and the Asian beer industry)
  • Official transaction date: Jan 04, 2018 (Report on the day becoming major shareholder)

1. Các bên tham gia giao dịch

  • Bên bán

Trong thương vụ trên công ty mục tiêu của Bên Mua là Sabeco nhưng Bên Bán thực chất là Nhà nước và Bộ Công Thương đóng vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco (2016). Thời điểm cuối năm 2017, Nhà nước đang nắm giữ 90% cổ phần của Sabeco. Việc thoái vốn tại Sabeco nằm trong chính sách cổ phần hóa của nhà nước, vậy nên mục tiêu của bên bán trong trường hợp này không liên quan đến kết quả hoạt động của Sabeco mà là một phần chính sách pháp luật bắt buộc phải thực hiện.

  • Bên mua

Trong thương vụ trên ThaiBev không nắm giữ trực tiếp lượng cổ phần tại Sabeco tuy nhiên đây mới là bên mua thực chất, là bên đã rót vốn để thực hiện giao dịch.

ThaiBev Holding được thành lập vào năm 2003 tại Thái Lan thông qua việc hợp nhất 58 công ty của một nhóm cổ đông chính (Principal Shareholders) có liên quan đến chủ tịch của ThaiBev, ThaiBev là công ty đồ uống lớn nhất Thái Lan với tổng vốn hóa thị trường khoảng 16 tỷ USD (09/2022). Mảng kinh doanh bia của ThaiBev chiếm khoảng 30% doanh thu. Việc mua Sabeco có thể làm cho hoạt động mảng bia của Thaibev tăng trưởng, góp phần vào mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu về đồ uống tại Đông Nam Á của ThaiBev.

2. Sơ bộ cấu trúc giao dịch

Giao dịch bán cổ phần tại ThaiBev được Bộ Công thương tổ chức dưới hình thức bán đấu giá với Giá Khởi Điểm 320.000 Đồng/1 cổ phiếu, tổng khối lượng cổ phiếu bán đấu giá là 343,66 triệu cổ phiếu (tương đương 53,59% vốn điều lệ Sabeco).

♻️ Toàn bộ thương vụ ThaiBev thâu tóm Sabeco gồm những bước sau:

ThaiBev thông qua chi nhánh quốc tế là International Beverage Holdings Limited – có trụ sở tại Hongkong sở hữu 100% vốn của BeerCo một doanh nghiệp được thành lập tại Hongkong. Sau đó BeerCo góp 49% vốn để thành lập Vietnam F&B Alliance Investment (ngày thành lập 27/09/2017). Tiếp theo đó, Vietnam F&B Alliance Investment thành lập VietBev ngày 06/10/2017. Ngày 18/12/2017 VietBev tham gia phiên đấu giá cổ phần Sabeco do Bộ công thương tổ chức và thắng thầu. Từ đó ThaiBev đã sở hữu gián tiếp 53,59% cổ phần Sabeco, trở thành cổ đông có quyền chi phối.

♦️ Vậy tại sao ThaiBev lại phải lựa chọn một cấu trúc giao dịch phức tạp như vậy?

Lý do ThaiBev lựa chọn cách thức trên để sở hữu gián tiếp 53,59% Sabeco là do vào thời điểm tháng 12/2017 quy định của pháp luật Việt Nam giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với công ty kinh doanh ngành nghề có điều kiện là 49%. Trong đó, Sabeco có đăng ký kinh doanh một số ngành nghề có điều kiện sau: “gạo”, “đường mía”, “đường củ cải” thuộc mã 4632; “định giá”, “đấu giá”, “quảng cáo” thuộc mã 6820; “quảng cáo thương mại” thuộc mã 6820; “Kinh doanh du lịch lữ hành nội địa, quốc tế” thuộc mã 7912.

Tại Khoản 3 Điều 122 Luật Đầu tư năm 2014, quy định:

“…

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:

a) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

b) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước

c) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Khoản 2 Điều 1 Nghị định Số 60/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như sau:

1. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại như sau:(*)

a) Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế;

b) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định vềtỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.

Đối với công ty đại chúng hoạt động trong Ngành, Nghề Đầu Tư Kinh Doanh Có Điều Kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%;

c) Trường hợpcông ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tếcó quy định khác;

d) Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a, b, c Khoản này, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

…”

♻️ Như vậy, có thể thấy rằng, … Bằng cách chỉ sở hữu 49% của Vietnam F&B Alliance Investment từ đó thành lập VietBev thì VietBev đã trở thành công ty trong nước vì F&B Alliance Investment không phải là Nhà đầu tư nước ngoài mà chỉ là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Khoản 1 Điều 24 Luật Đầu tư năm 2014). Như vậy VietBev có thể sở hữu 53,59% vốn điều lệ của Sabeco mà không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.

Khái quát Cấu trúc giao dịch ThaiBev gián tiếp nắm giữ Sabeco

Nguồn: Theo trang Trendinhphowall.com – Tác giả Huỳnh Nhật Trình

3. Rủi ro pháp lý

Bản chất của cấu trúc pháp lý trên là tạo ra một chủ thể được ủy thác nhằm vượt qua rào cản về pháp lý cũng như hạn chế về quyền kiểm soát. Trong đó, rủi ro pháp lý chủ yếu đến từ khả năng kiểm soát các chủ thể ủy thác.

Trong thương vụ ThaiBev thâu tóm Sabeco, “mắt xích” yếu nhất chính là ThaiBev chỉ sở hữu 49% của Vietnam F&B, 51% còn lại được sở hữu bởi 2 cá nhân quốc tịch Việt Nam.

Trong báo cáo của ThaiBev nộp lên Sở giao dịch hàng hóa Singapore (Singapore Exchange Securities Trading Limited – Sgx-st) có đoạn như sau:

“As agreed with two Vietnamese investors in Vietnam F&B, the company, with its financial strength and good relationship, secured the initial financing to fund the Acquisition, with a plan to arrange for appropriate refinancing post-acquisition”

(Theo thỏa thuận với hai nhà đầu tư Việt Nam tại Vietnam F&B, công ty với tình hình tài chính cùng mối quan hệ tốt đảm bảo tài chính để thực hiện thương vụ mua lại, với kế hoạch tái cấp vốn sau khi tiến hành thương vụ mua lại)

♻️ Việc chỉ gián tiếp sở hữu 49% VietnamF&B làm cho ThaiBev gặp phải một số nguy cơ pháp lý sau:

+ Không có khả năng kiểm soát, chi phối công ty;

+ Khả năng cổ đông người Việt bán cổ phần;

+ Vấn đề chia cổ tức cho cổ đông người Việt.

4. Giải pháp pháp lý

Như chúng ta đã tìm hiểu, ThaiBev sử dụng phương pháp thành lập nhiều lớp công ty cũng như tự giới hạn tỷ lệ sở hữu để vượt qua các rào cản về pháp lý. Vấn đề cốt lõi mà ThaiBev cần quan tâm là thành lập những công ty nào, loại hình công ty, tỷ lệ sở hữu và cấu trúc vốn như thế nào để đạt được mục đích và đồng thời loại bỏ rủi ro pháp lý liên quan.

4.1. Các tổ chức được thành lập ngoài Việt Nam

Trong thương vụ thâu tóm trên xuất hiện hai tổ chức được thành lập ngoài Việt Nam gồm: International Beverage Holdings Limited (Chi nhánh tại Hongkong của ThaiBev) và BeerCo (Công ty được thành lập tại Hongkong).

4.1.1. International Beverage Holdings Limited

Đây là chi nhánh của ThaiBev tại HongKong. Với việc Hongkong là một trong các thị trường tài chính hàng đầu châu Á thì việc lập chi nhánh tại Hongkong là phù hợp với chiến lược vươn ra thế giới của ThaiBev.

4.1.2. BeerCo

Việc ThaiBev lựa chọn Hongkong để thành lập BeerCo có thể do HongKong là địa điểm thuận lợi để thành lập doanh nghiệp, đồng thời cũng do Việt Nam tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư Hongkong.

Trong bước này ThaiBev vẫn chưa giải quyết được vấn đề rào cản pháp lý mà chỉ lựa chọn việc thành lập công ty tại nơi dễ dàng và thuận tiện. Việc ThaiBev lựa chọn HongKong hay bất kỳ địa điểm nào khác không phải là yếu tố mấu chốt của thương vụ.

4.2. Các tổ chức được thành lập trong nước

♻️ Các công ty được thành lập dựa trên pháp luật Việt Nam gồm: Vietnam F&B Alliance Investment và VietBev. Đây là hai công ty mấu chốt trong giao thương vụ của ThaiBev. Hai công ty trên được thành lập với nhiệm vụ giúp ThaiBev vượt qua các rào cản pháp lý về tỷ lệ kiểm soát.

4.2.1. Vietnam F&B Alliance Investment

♻️ Đây là công ty mấu chốt trong thương vụ M&A, Vietnam F&B Alliance Investment có nhiệm vụ tạo tiền đề để chuyển đổi từ “vốn đầu tư nước ngoài” thành “vốn đầu tư trong nước”. Ngoài ra đây cũng là điểm tạo ra những rủi ro pháp lý chính cho thương vụ của ThaiBev. Vậy làm cách nào để ThaiBev loại bỏ những rủi ro này?

Vietnam F&B Alliance Investment tên tiếng Việt là Công ty cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam, công ty được thành lập ngày 27/9/2017. Công ty cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam có 51% vốn là nguồn vốn cá nhân và 49% là vốn nước ngoài của Beerco Limited.

♦️ Vấn đề 1: Làm sao ThaiBev chi phối được Vietnam F&B Alliance Investment khi chỉ nắm giữ 49% cổ phần?

Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định ngoài cổ phần phổ thông thì công ty cổ phần còn có cổ phần ưu đãi. Trong đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết cho phép cổ đông sở hữu có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông

Cụ thể theo Điều 116 quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết như sau:

“1. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có Số Phiếu Biểu Quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.

2.Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền sau đây:

a) Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quyđịnh tại khoản 3 Điều này.

3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.”

Như vậy, Với quy định trên ThaiBev hoàn toàn có thể chi phối Vietnam F&B Alliance Investment dù chỉ sở hữu 49% cổ phần, chỉ cần số cổ phần mà ThaiBev sở hữu là cổ phần ưu đãi biểu quyết.

♦️ Vấn đề 2: Làm sao ThaiBev ngăn chặn khả năng cổ đông người Việt bán cổ phần?

Trong thương vụ trên, các cổ đông người Việt chỉ là cổ đông ảo, rõ ràng họ không có đủ vốn để thực sự góp vào công ty. Vậy ThaiBev có thể dùng công cụ nợ để ràng buộc các cổ đông Việt Nam. Bằng việc cho các nhà đầu tư Việt Nam vay số tiền để góp vào công ty sau đó dùng chính sổ cổ phần trong công ty để thế chấp cho khoản vay trên, ThaiBev có thể ngăn chặn việc các cổ đông người Việt bán cổ phần. Những cổ đông này chỉ có thể bán số cổ phần này khi trả hết nợ hoặc được ThaiBev đồng ý.

♦️ Vấn đề 3: Làm sao ThaiBev tránh được việc chia cổ tức cho các cổ đông người Việt?

Vấn đề này sẽ được giải quyết tại phần về công ty VietBev.

4.2.2. VietBev

Trong hình thức M&A như trên, VietBev thường được gọi là chủ thể được ủy thác (Nominee). Trong các thương vụ M&A chủ thể được ủy thác nhiều khi là một chủ thể không thể thiếu, vấn đề lớn nhất với bên mua trong giao dịch M&A là làm sao để có được một chủ thể ủy thác đáng tin cậy và có thể hoàn toàn chi phối được chủ thể này.

VietBev tên đầy đủ là Công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev) được thành lập ngày 06/10/2017. Tại thời điểm diễn ra vụ thâu tóm, VietBev được sở hữu 100% bởi Vietnam F&B Alliance Investment. Như đã phân tích ở trên, ThaiBev dù chỉ sở hữu 49% cổ phần của Vietnam F&B Alliance Investment tuy nhiên hoàn toàn có thể nắm quyền chi phối vậy nên VietBev cũng chịu sự chi phối hoàn toàn của ThaiBev. Mấu chốt tại VietBev là việc xử lý vấn đề pháp lý thứ ba “Làm sao ThaiBev tránh được việc chia cổ tức cho các cổ đông người Việt?”

Trong thời điểm thực hiện giao dịch, VietBev chỉ có vốn điều lệ 681 tỷ, rõ ràng VietBev không đủ nguồn lực để thực hiện thương vụ mua lại 53,59% cổ phần của Sabeco trị giá 110.000 tỷ Đồng. Số tiền còn lại để thâu tóm Sabeco được VietBev vay của BeerCo, BeerCo có thể cho VietBev vay với tài sản thế chấp chính là cổ phiếu Sabeco. Ngược lại, ThaiBev cũng phải vay các ngân hàng thương mại để tài trợ cho thương vụ này.

♻️ Có thể nói, VietBev vay gần như 99% tiền để thực hiện giao dịch và phải trả lãi cho các khoản vay này cho Beerco (theo công bố của ThaiBev) với mức lãi vay cao hơn lãi vay mà ThaiBev phải trả cho các Ngân hàng tài trợ thương vụ này. Do đó việc chi trả cổ tức chỉ được thực hiện khi công ty thanh toán các khoản lãi vay này cho Beerco, do đó giảm bớt rủi ro về việc cổ tức sẽ được chia cho các cổ đông người Việt này.

Trong báo cáo của ThaiBev nộp lên Sở giao dịch hàng hóa Singapore (Singapore Exchange Securities Trading Limited – Sgx-st) có đoạn như sau:

Vietnam Beverage will be financing the Aggregate Purchase Price and related transaction expenses through a mix of its existing equity capital and loans provided to it by BeerCo”

(VietBev sẽ tài trợ cho việc mua cổ phiếu và chi phí giao dịch liên quan thông qua sự kết hợp giữa vốn hiện có và khoản vay từ BeerCo)

5. Kết luận

♻️ Tổng kết, Cấu trúc giao dịch thương vụ Sabeco được thực hiện như sau:

ThaiBev thông qua công ty Int’l Beverage Holding (có trụ sở tại Hồng Kong) để sở hữu 100% vốn của Beerco, một pháp nhân được thành lập tại Hồng Kông. Beerco sau đó góp vốn 49% vào Vietnam F&B Alliance Investment (được thành lập vào 27/09/2017 với vốn điều lệ là 200 triệu đồng, sau đó tăng vốn lên 681 tỷ đồng).Tiếp theo đó, Vietnam F&B nắm giữ 100% vốn của Vietnam Beverage (VietBev) vào ngày 06/10/2017.

Từ đó, thông qua chiến lược thành lập nhiều lớp công ty kết hợp với chủ động giới hạn tỷ lệ sở hữu, ThaiBev đã vượt qua các rào cản pháp lý để sở hữu gián tiếp 53,59% cổ phần của Sabeco. Với số cổ phần trên ThaiBev đã nắm quyền chi phối Sabeco để từ đó từng bước thực hiện mục tiêu chiến lược của tập đoàn. Điểm mấu chốt trong giao dịch trên là làm sao thành lập được một chủ thể ủy quyền đáng tin cậy để giúp bên mua vượt qua rào cản pháp lý nhưng vẫn tránh được rủi ro. Trong các giao dịch tương tự, một cấu trúc pháp lý chặt chẽ là hết sức quan trọng. Thương vụ ThaiBev thâu tóm Sabeco có thể là một kinh nghiệm hữu ích để thực hiện các thương vụ M&A trong tương lai.

 

  • Chú thích trong bài:

(*) Do Sabeco là công ty đại chúng nên việc sở hữu cổ phần tại Sabeco cần tuân thủ các quy định về giới hạn sở hữu. Theo khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019, quy định về công ty đại chúng như sau:

– Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

+ Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;

+ Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.

Sabeco đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và hiện đang được niêm yết trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã SAB vậy nên Sabeco là công ty đại chúng.

 

Trên đây là những vấn đề về Cấu trúc pháp lý thương vụ ThaiBev thâu tóm Sabeco”. Để được tư vấn chi tiết hơn về M&A và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng /./

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *