ÁN LỆ HÌNH SỰ ? ÁN LỆ SỐ 28/2019/AL ? VỀ TỘI “GIẾT NGƯỜI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH”

Trong quá trình xét xử các vụ án hình sự, cùng là hành vi giết người nhưng không phải mọi trường hợp đều bị xử lý như nhau. Trong thực tiễn xét xử, việc phân biệt giữa tội Giết người và Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh vẫn còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến việc xác định tội danh không đúng. Do đó, án lệ số 28/2019/AL ra đời làm cơ sở để phân biệt giữa hai tội danh nêu trên. Cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu.

1. Nguồn án lệ

Quyết định giám đốc thẩm số 16/2018/HS-GĐT ngày 25/9/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” đối với:

  • Bị cáo: Trần Văn C, sinh năm 1991;
  • Bị hại: Anh Nguyễn Hồng Q, sinh năm 1994 (đã chết).

2. Khái quát nội dung của án lệ

  • Tình huống án lệ:

Bị hại đã thực hiện một chuỗi hành vi trái pháp luật tấn công Bị cáo liên tục, kéo dài làm cho Bị cáo bị ức chế tâm lý, kích động về tinh thần. Trong trạng thái bị mất khả năng tự chủ, Bị cáo dùng dao đâm bị hại nhằm thoát khỏi sự tấn công. Bị cáo không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà mình đã thực hiện. Hậu quả dẫn đến Bị hại chết.

  • Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

Khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự năm 1999 – Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (tương ứng với khoản 1 Điều 125 Bộ luật Hình sự năm 2015).

4. Tóm tắt nội dung vụ án

Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 03/11/2016, Trần Văn C đang chơi game ở quán Internet thuộc thôn 1A, xã N, huyện K, tỉnh Đắk Lắk thì bạn là anh Nguyễn Hồng Q gọi điện thoại hỏi C đang ở đâu. Khi biết C đang chơi game ở quán Internet, anh Q cũng đến và vào chơi ở máy số 6. Trong lúc chơi game, anh Q nhiều lần đến chỗ C ngồi hỏi mượn tiền, nhưng C nói không có tiền. Một lúc sau, anh Q đến chỗ C đưa 02 chiếc điện thoại di động của mình nói C cầm cố để mượn tiền, C vẫn không đồng ý nên anh Q bỏ về chỗ của mình tiếp tục ngồi chơi game.

Khoảng 15 phút sau, anh Q đi đến chỗ C nói “Anh không tin em sao, giúp em đi”. C trả lời “Anh không có tiền thật mà, mày làm ơn đi chỗ khác để anh chơi”. Anh Q chửi “Đ.M mày, nhớ mặt tao”. C nghe vậy không nói gì, anh Q bỏ về chỗ máy của mình. Ít phút sau, anh Q đi đến chỗ C đang chơi game, tay phải đấm mạnh 01 cái vào má trái của C làm chảy máu. Bị đánh, C tức giận lấy dao Thái Lan có sẵn trên bàn giữa 02 máy vi tính, rồi cầm dao bằng tay phải đứng lên ghế mình ngồi. Thấy vậy, anh Q lao đến, C dùng dao quơ ngang qua lại trúng vào mặt anh Q làm chảy máu. Anh Q xông đến dùng hai tay kéo C xuống ghế, sau đó anh Q dùng hai tay kẹp cổ C theo tư thế phần đầu của C ở phía sau lưng anh Q, còn phần hai tay, thân người và hai chân của C ở phía trước người anh Q. Bị anh Q kẹp cổ, C dùng tay trái nắm vào phần hông bên phải anh Q, còn tay phải C cầm dao Thái Lan đâm 01 nhát trúng ngực anh Q. Anh Nguyễn Hải Q1 đang chơi game thấy vậy chạy đến giật con dao trên tay C vút vào góc quán. Lúc này anh Q bị ngã xuống nền nhà, sau đó C và một số người có mặt trong quán đưa anh Q đến bệnh viện cấp cứu. Đến ngày 04/11/2016, anh Q tử vong. Ngay sau đó, C đến Công an huyện K đầu thú.

Kết quả khám nghiệm tử thi anh Nguyễn Hồng Q ghi nhận: Vùng trán trái phía trên lông mày có vết rách da hình khe, dài 0,7cm. Đỉnh mũi có vết rách da hình khe dài 02cm, sâu 0,4cm; cách vết này 03cm tại môi trên có vết rách da hình khe dài 02cm. Mép phải có vết rách da hình khe dài 03 cm, sâu 0,8cm. Ba vết rách da tạo đường thẳng không liên tục hướng từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Ngực phải cách núm vú phải 3,5cm về phía dưới, cách đường giữa 09 cm có vết xây xát da nằm ngang hình khe dài 1,3cm. Ngực trái cách gót chân trái 120cm, cách đường giữa 05cm có vết rách da dài 2,5cm, hở rộng 01 cm, nằm ngang hướng từ trái sang phải, từ trước ra sau, từ ngoài vào trong.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 714/QĐPY ngày 24/11/2016 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Nguyên nhân tử vong của anh Nguyễn Hồng Q là vết thương thấu ngực trái gây nên thương tổn xuyên tim dẫn đến tim ngừng đập và mất máu suy tuần hoàn cấp không hồi phục.

Tại Bản kết luận pháp y thương tích số 113/PY-TgT ngày 04/01/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Trần Văn C bị chấn thương vùng má trái với thương tích 02%.

Trước Khi xét xử sơ thẩm, gia đình Trần Văn C đã bồi thường cho gia đình người bị hại 95.000.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 09/5/2017, TAND tỉnh Đắk Lắk áp dụng khoản 1 Điều 95; các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Trần Văn C 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”; căn cứ Điều 42 Bộ luật Hình sự, các điều 606, 610 Bộ luật Dân sự buộc bị cáo C phải bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền 122.600.000 đồng, đã bồi thường 95.000.000 đồng, còn lại phải bồi thường 27.600.000 đồng; buộc cấp dưỡng cho cháu Nguyễn Hồng M 600.000 đồng/tháng; đối với con mới sinh của anh Nguyễn Hồng Q, chị Lại Thị Minh T có quyền khởi kiện về yêu cầu cấp dưỡng bằng một vụ án dân sự khác Khi có yêu cầu.

Ngày 22/5/2017, người đại diện hợp pháp của người bị hại chị Lại Thị Minh T kháng cáo đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự đối với Trần Văn C và tăng hình phạt; đồng thời, đề nghị tăng mức cấp dưỡng đối với cháu Hồng M và yêu cầu xác định trách nhiệm cấp dưỡng cho con mới sinh của anh Q là cháu Hải Đ (sinh ngày 29/4/2017).

Ngày 24/5/2017, Trần Văn C kháng cáo xin giảm hình phạt.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 200/2017/HSPT ngày 10/8/2017, TAND cấp cao tại Đà Nẵng căn cứ điểm a, b, C khoản 2 Điều 248; khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự:

– Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Văn C.

– Chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại:

+ Sửa bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự: Áp dụng khoản 2 Điều 93; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Trần Văn C 07 (bảy) năm tù về tội “Giết người”.

+ Hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm liên quan đến trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con của người bị hại; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án số 47/2017/HSST ngày 14/9/2017, TAND tỉnh Đắk Lắk quyết định buộc Trần Văn C có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 02 cháu Nguyễn Hồng M và Nguyễn Hải Đ, mỗi cháu 650.000 đồng/tháng.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/2018/KN-HS ngày 22/5/2018, Chánh án TAND tối cao quyết định kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 200/2017/HSPT ngày 10/8/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thấm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần trách nhiệm hình sự đối với Trần Văn C và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đê xét xử phúc thẩm lại.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt đối với Trần Văn C.

5. Nội dung án lệ

Nội dung án lệ trích từ đoạn 1 phần Nhận định của Tòa án trong Quyết định giám đốc thẩm số 16/2018/HS-GĐT ngày 25/9/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, cụ thể như sau:

“[1] … bị hại là người gây sự, tấn công bị cáo trước. Hành vi tấn công của bị hại diễn ra liên tục với mức độ tăng dần. Hành vi của bị hại là trái pháp luật, xâm phạm sự an toàn về thân thế của bị cáo. Trong trạng thái bị kích động dẫn đến mất khả năng tự chủ, không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, bị cáo dùng dao đâm vào ngực bị hại là nhằm thoát khỏi sự tấn công. Do đó, có đủ cơ sở xác định Trần Văn C đã bị lách động mạnh về tinh thần. Tòa án cấp sơ thẩm kết án Trần Văn C về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là có căn cứ. ”

6. Sự cần thiết của án lệ

Trong thực tiễn xét xử, việc phân biệt tội Giết người và Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào cảm quan đánh giá của Thẩm phán. Xét về mặt bản chất, Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì tính nguy hiểm của hành vi phạm tội ít hơn so với tội Giết người, mức xử lý cũng khác nhau. Án lệ số 28 ra đời giúp các Thẩm phán có cái nhìn khách quan hơn, từ đó đưa ra hướng xử lý thống nhất cho các vụ án có tình huống pháp lý tương tự.

7. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ

Án lệ được áp dụng cho các trường hợp cá nhân có hành vi tước đoạt tính mạng của người khác mà nguyên nhân dẫn đến hành vi đó là do hành động trái pháp luật của nạn nhân làm cho người phạm tội bị kích động, không làm chủ được hành vi. Trong quá trình xét xử, khi gặp các tình huống tương tự nội dung vụ án tạo lập nên án lệ thì áp dụng nội dung án lệ để giải quyết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *