Kết hôn là bước ngoặt lớn của cuộc đời mỗi con người. Đương nhiên rằng ai cũng đều mong muốn sẽ có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên, hôn nhân vẫn có thể chấm dứt bởi rất nhiều lý do, một trong những lý do đó là vợ/chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Việc giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết cũng là một vấn đề hiện đang rất được quan tâm. Thông qua bài viết dưới đây, Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp những thông tin cơ bản liên quan đến vấn đề giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp trên.
-
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Luật Hộ tịch năm 2014.
1. Khái quát chung
1.1. Một người thế nào được xem là đã chết (về mặt sinh học) ?
Căn cứ tại Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định như sau:
“Điều 33. Thời hạn và trách nhiệm đăng ký khai tử
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
2. Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc khai tử cho người chết; trường hợp không xác định được người có trách nhiệm đi khai tử thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký khai tử.”
Có nghĩa rằng, một người được xem là chết sinh học khi người đó đã chấm dứt các hoạt động về hô hấp cũng như trao đổi chất vĩnh viễn trên cơ thể và được xác nhận theo giám định của cơ quan y tế thể hiện trên giấy báo tử thì người thân của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử tại UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết, trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì UBND cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
1.2. Một người thế nào được xem là bị Tòa án tuyên bố là đã chết (về mặt pháp lý) ?
Căn cứ Khoản 1, Điều 71 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.”
Theo đó, một người được xem là bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì cần phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Đó có thể là vợ, chồng, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết.
- Thuộc một trong các trường hợp được quy định theo quy định trên.
- Có quyết định của Tòa án về việc tuyên bố một người là đã chết. Trình tự, thủ tục về việc ra quyết định của Tòa án về việc tuyên bố một người là đã chết được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
1.3. Thời điểm chấm dứt hôn nhân
Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về thời điểm chấm dứt hôn nhân là khi:
- Vợ hoặc chồng chết
- Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.
Như vậy, có hai trường hợp xảy ra:
- Trong trường hợp chết sinh học, hôn nhân sẽ được chấm dứt từ thời điểm được ghi trên giấy khai tử.
- Trong trường hợp chết về mặt pháp lý, hôn nhân sẽ được chấm dứt kể từ ngày Quyết Định Tuyên Bố Một Người Là Đã Chết có hiệu lực pháp luật.
2. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết
Trong trường hợp trên, việc giải quyết tài sản của vợ chồng được quy định tại Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết
1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.”
Theo đó, , khi một bên chết thì bên còn lại đương nhiên sẽ quản lý phần tài sản chung của vợ, chồng trừ trường hợp theo Khoản 1 Điều trên. Người vợ hoặc chồng quản lý di sản có nghĩa vụ: bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác; thông báo về di sản cho những người thừa kế; bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây ra thiệt hại; giao lại tài sản theo yêu cầu của người thừa kế. Bên cạnh đó, người quản lý di sản có quyền được sử dụng di sản nếu được những người thừa kế đồng ý và được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế.
Nếu có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì tài sản chung giữa vợ chồng sẽ được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng trước đó đã có thỏa thuận về chế độ tài sản (được lập bằng văn bản). Phần tài sản sau khi chia đôi của người đã chết thì sẽ được tiếp tục phân chia theo pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, khi có yêu cầu phân chia di sản thì di sản sẽ đều được phân chia theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo cuộc sống ổn định của bên còn sống, nếu việc phân chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên còn sống thì vợ/chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản. Cụ thể, căn cứ Điều 661 Bộ luật Dân sự năm 2015, hạn chế phân chia di sản được quy định như sau:
“Điều 661. Hạn chế phân chia di sản
Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng Chưa Cho Chia Di Sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.”
Với quy định như trên, pháp luật vừa khẳng định quyền bình đẳng giữa vợ chồng cũng như bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người còn lại.
3. Giải quyết quan hệ về tài sản và nhân thân khi vợ/chồng bị Tòa án tuyên bố đã chết Quay Trở Về
Thực tế, không ít trường hợp một cá nhân đã bị Tòa án ra quyết định là đã chết nhưng đột ngột trở về. Theo Điều 73 Bộ luật Dân sự 2015, khi người bị tuyên bố chết trở về thì Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định tuyên bố là đã chết theo căn cứ người bị tuyên bố chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan. Trình tự, thủ tục về việc hủy quyết định của Tòa án về việc tuyên bố một người là đã chết sẽ căn cứ theo Điều 395 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Căn cứ tại Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản đối với trường hợp trên được giải quyết như sau:
- Quan hệ nhân thân
– Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.
– Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn.
– Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật Dân sự 2015thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;
– Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực.
- Quan hệ tài sản
– Trong trường hợp hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm Quyết Định Của Tòa Án Hủy Bỏ Tuyên Bố Chồng, Vợ Là Đã Chết Có Hiệu Lực. Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của Tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó;
– Trong trường hợp hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước khi Quyết định của Tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được thì giải quyết như chia tài sản khi ly hôn.
Trên đây là các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề giải quyết tài sản của vợ, chồng khi một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng /./