Bảo hiểm nhân thọ là biện pháp để phòng ngừa rủi ro. Khách hàng mua bảo hiểm khi gặp trường hợp rủi ro theo theo quy định trong hợp đồng đã ký sẽ nhận được khoản tiền từ công ty bảo hiểm. Vì vậy, họ có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin một cách trung thực, chính xác ở giai đoạn giao kết hợp đồng. Việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bảo hiểm từ chối thanh toán tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Tuy nhiên, để xác định khi nào người mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là việc vô cùng khó khăn. Án lệ số 22/2018/AL ra đời góp phần đưa ra hướng giải quyết cho tình huống trên. Hãy cùng Luật Phúc Cầu tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.
1. Nguồn án lệ
Bản án dân sự phúc thẩm số 313/2016/DS-PT ngày 16/3/2016 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa các bên:
- Nguyên đơn: ông Đặng Văn L (người đại diện theo ủy quyền của ông Đặng Văn L là ông Trần Xuân H);
- Bị đơn: Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ C (người đại diện theo ủy quyền là ông Hoàng P, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là ông Đinh Quang T, ông Trần Ngọc T).
2. Khái quát nội dung án lệ
- Tình huống án lệ:
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quy tắc bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm có yêu cầu không rõ ràng về việc kê khai tình trạng bệnh lý của người được bảo hiểm. Thông tin được yêu cầu kê khai không phải là căn cứ quyết định việc các bên xác lập hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, phải xác định người mua bảo hiểm không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi ký hợp đồng bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm.
3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ
- Bộ luật Dân sự 2005, gồm các điều:
- Khoản 2 Điều 407 – Hợp đồng dân sự theo mẫu (tương ứng với khoản 2 Điều 405 BLDS 2015);
- Khoản 4 Điều 409 – Giải thích hợp đồng dân sự (tương ứng với khoản 3 Điều 404 BLDS 2005);
- Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) – Giải thích hợp đồng bảo hiểm.
4. Tóm tắt nội dung vụ án
Ông Đặng Văn L là Nguyên đơn yêu cầu:
TAND Quận 1 buộc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ C (sau đây gọi là Công ty C) phải trả cho ông 405.000.000 đồng và số tiền lãi phát sinh cho đến thời điểm bản án có hiệu lực là tiền mà Công ty C phải bồi thường cho hai hợp đồng bảo hiểm do vợ ông đã mua.
Công ty đã trả trước cho ông 50.000.000 đồng.
Tại đơn bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 30/05/2011 ông Đặng Văn L yêu cầu:
Buộc Công ty C phải trả cho ông số tiền 470.000.000 đồng và số tiền lãi phát sinh đến thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật. Số tiền lãi tạm tính đến thời điểm hiện nay là 43.000.000 đồng.
Tại đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 22/06/2011 ông Đặng Văn L thay đổi yêu cầu khởi kiện như sau:
Buộc Công ty C phải chi trả tổng số tiền là 203.772.500 đồng cho 02 hợp đồng bảo hiểm số S11000009505, S11000040924 và tiếp tục thực hiện hợp đồng S11000009505 mua ngày 14/10/2008; trả hai hợp đồng bản gốc số S11000009505; S11000040924.
Tại đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 18/04/2015 ông Đặng Văn L yêu cầu:
- Buộc Công ty C phải trả cho ông số tiền là 405.000.000 đồng và số tiền lãi phát sinh cho đến thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật.
- Buộc Công ty C phải trả 02 hợp đồng bảo hiểm gốc số S11000009505 và S11000040924 mà công ty đã thu giữ từ phía gia đình ông.
Tại văn bản phản hồi số 008/2011/CV ngày 28/01/2011 bị đơn là Công ty C trình bày:
Khách hàng Trương Thị H trước khi giao kết hai hợp đồng bảo hiểm đã có tiền sử đau dạ dày và mỡ máu tăng nhưng đã không khai báo trong bảng câu hỏi trong đơn yêu cầu bảo hiểm. Nếu biết được khách hàng Trương Thị H bị đau dạ dày và mỡ máu tăng Công ty C sẽ từ chối giao kết hợp đồng bảo hiểm. Do vậy Công ty C từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm và quyết định hủy bỏ hai hợp đồng bảo hiểm của bà H là có căn cứ (theo Điều 11.2 Quy tắc và điều khoản của hợp đồng) và đúng quy định của pháp luật (theo Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm).
Công ty C đề nghị Tòa án nhân dân Quận 1 bác yêu cầu khởi kiện của ông L.
Tại văn bản phản hồi số 024/2011/CV ngày 16/05/2011; Bị đơn là công ty C trình bày:
Đối với yêu cầu công ty C trả số tiền 405.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh của hai hợp đồng bảo hiểm số S11000009505 và S11000040924 Công ty C vẫn giữ nguyên quan điểm. Công ty đã thanh toán tất cả nghĩa vụ của mình được quy định trong hai hợp đồng bảo hiểm nêu trên. Đồng thời yêu cầu của ông Đặng Văn L là không có cơ sở theo quy định trong Quy tắc và điều, khoản của hợp đồng bảo hiểm và không có căn cứ pháp luật. Do vậy, Công ty C đề nghị Tòa án bác bỏ yêu cầu của ông L.
Đối với yêu cầu Công ty C hoàn trả hai (02) bản hợp đồng bảo hiểm gốc số S11000009505 và S11000040924 Công ty C đồng ý trả lại 02 bản gốc hợp đồng bảo hiểm cho ông L.
Tại bản tự khai ngày 14/04/2011; ngày 09/05/2011 bà Lương Thị T là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:
Bà là mẹ ruột của bà Trương Thị H qua đời vào ngày 09/01/2010; bà yêu cầu Công ty C phải trả cho bà và gia đình số tiền bồi thường bảo hiểm. Đồng ý cho con rể bà là ông Đặng Văn L số tiền bồi thường bảo hiểm mà bà được hưởng để ông L có toàn quyền và thuận lợi trong việc tranh chấp với Công ty C.
Tại bản khai ngày 14/04/2011 chị Đặng Kiều L là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trình bày:
Chị L là con ruột của bà Trương Thị H đã qua đời vào ngày 09/01/2010. Số tiền công ty bảo hiểm chi trả cho bà H và chị theo luật định chị cũng có phần vì vậy yêu cầu công ty C phải trả cho chị đúng số tiền mà chị được hưởng thừa kế trong số tiền bảo hiểm mà công ty phải chi trả bảo hiểm khi chẳng may mẹ chị qua đời. Chị đồng ý tặng cho bố chị là ông Đặng Văn L số tiền bồi thường bảo hiểm cũng như quyền được hưởng số tiền mà đáng lý ra chị được thừa kế từ mẹ và ông L được toàn quyền tranh chấp với công ty C để đòi số tiền bảo hiểm của mẹ chị là bà H.
Tại bản khai ngày 09/05/2011 ông Đặng Văn L là đại diện hợp pháp của cháu Đặng Linh N trình bày:
Yêu cầu Tòa án sớm đưa vụ kiện ra xét xử trả lại công bằng và danh dự cho gia đình ông cũng như rất nhiều người dân Việt Nam đã tham gia mua bảo hiểm nhân thọ của Công ty C cũng như các công ty bảo hiểm nhân thọ khác.
Ngày 09/9/2015, Bị đơn – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ C (sau đây gọi tắt là công ty C) có đơn kháng cáo, kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.
5. Nội dung án lệ
Nội dung án lệ trích từ đoạn 4, 8, 9, 10, 11 phần Nhận định của Tòa án trong Bản án dân sự phúc thẩm số 313/2016/DS-PT ngày 16/3/2016 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, cụ thể như sau:
“[4] Tại câu hỏi số 54 Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25/3/2009, câu hỏi: “loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, viêm kiết tràng, khó tiêu thường xuyên, khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc túi mật” bà H đánh dấu vào ô không. Tại biên bản hội chẩn số 42/BV-99 của Bệnh viện B ngày 03/9/2009 bà H khai có tiền sử đau dạ dày 2 năm. Căn cứ theo Biên bản hội chẩn thì bà H có bệnh đau dạ dày từ ngày 03/9/2007 là trước thời điểm bà H ký Hợp đồng bảo hiểm. Phía Công ty C cho rằng cụm từ rối loạn tại dạ dày bao gồm tất cả các bệnh liên quan đến dạ dày trong đó có bệnh đau dạ dày. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh, không đưa ra được một giải thích khoa học nào xác định đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ dày.
[8] Căn cứ theo các quy định pháp luật nêu trên thì trong trường hợp các bên có sự giải thích khác nhau không rõ ràng khó hiểu thì Điều khoản này phải được giải thích theo hướng có lợi cho bà H. Như vậy, không đủ cơ sở xác định đau dạ dày được bao gồm trong rối loạn tại dạ dày như Công ty C trình bày.
[9] Xét thấy, tại đơn yêu cầu bảo hiểm không có câu hỏi về bệnh đau dạ dày. Như vậy, phía Công ty C cho rằng bà H bị bệnh đau dạ dày mà không khai báo là cố tình khai báo không trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là không có căn cứ.
[10] Tại câu hỏi 61 của Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25/3/2009: “Trong vòng 5 năm trở lại đây, ông, bà đã có làm xét nghiệm chẩn đoán như X-quang, siêu âm, điện tim đồ, thử máu, sinh thiết? Hoặc ốm đau, bệnh tật khám y khoa, điều trị tại bệnh viện nhưng chưa được nêu ở phần trên không?” bà H đánh dấu vào ô không. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía Công ty C cung cấp Phiếu xét nghiệm hóa sinh máu đề ngày 22/9/2008 mang tên người bệnh là Trương Thị H. Phía Công ty C xác định đây là tài liệu do Công ty C thu thập trong hồ sơ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên của Trường Mầm non C nơi trước đây bà H công tác. Công ty C cho rằng vào ngày 22/9/2008, bà H có làm xét nghiệm máu nhưng không khai báo tại câu hỏi số 61, đơn yêu cầu bảo hiểm là bà H cố tình khai báo không trung thực. Xét thấy, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ được các cơ quan, tổ chức thực hiện một cách thường xuyên và định kỳ. Khi tham gia kiểm tra sức khỏe định kỳ, người được khám không biết và không buộc phải biết tổ chức khám chữa bệnh đã tiến hành các biện pháp, phương pháp gì. Hơn nữa, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ bà H không phát hiện dấu hiệu của một căn bệnh nào dẫn đến việc Công ty C từ chối ký kết hợp đồng với bà H. Do đó, không đủ cơ sở xác định bà H cảm thấy cơ thể bất thường mới tiến hành đi xét nghiệm máu sau đó mua bảo hiểm của Công ty C.
[11] Như vậy, chưa đủ cơ sở xác định bà H có gian dối khi ký hợp đồng bảo hiểm, không có cơ sở xác định việc bà H đánh dấu vào ô không của mục 54 và 61 tại Đơn yêu cầu bảo hiểm làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc Công ty C có xem xét để ký hợp đồng bảo hiểm với bà H hay không.”
6. Sự cần thiết của án lệ
Án lệ đã giải quyết được hai vấn đề là xử lý trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu cung cấp thông tin không rõ ràng và phân loại tầm quan trọng của thông tin trong phần cung cấp.
Pháp luật dân sự quy định nếu hợp đồng theo mẫu có nội dung không rõ ràng thì phải giải thích theo hướng có lợi cho bên không phải là bên soạn thảo. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm là bên soạn thảo hợp đồng nên khi có nội dung không rõ ràng thì giải thích có lợi cho bên khách hàng. Như vậy có thể thấy án lệ phù hợp với quy định pháp luật và hướng tới bảo vệ người mua bảo hiểm.
7. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ
Vụ việc phát triển thành Án lệ số 22 liên quan đến thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp và thông tin này liên quan đến sức khoẻ của người mua bảo hiểm. Án lệ số 22 có thể áp dụng tương tự cho việc cung cấp thông tin khác như thông tin liên quan đến nhân thân của người mua bảo hiểm, thông tin liên quan đến người thụ hưởng.
Trong vụ việc tạo lập ra Án lệ số 22, yêu cầu cung cấp thông tin được thể hiện trong Đơn yêu cầu bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm soạn sẵn và người mua bảo điểm điền thông tin. Án lệ số 22 có thể được áp dụng cho những nội dung nêu trong Hợp đồng bảo hiểm hay trong quy tắc bảo hiểm.
Án lệ số 22 xuất phát từ việc cung cấp thông tin trong giai đoạn ký kết hợp đồng bảo hiểm. Án lệ này cũng có thể được áp dụng tương tự đối với thông tin được yêu cầu ở giai đoạn thực hiện hợp đồng.
Hoàn cảnh tạo lập ra án lệ số 22 liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng cũng có thể áp dụng tương tự cho bảo hiểm phi nhân thọ.