Hôn nhân thực tế là thuật ngữ pháp lý để chỉ những trường hợp hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, tuy có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nhưng lại không đăng ký kết hôn. Đây là mối quan hệ xuất hiện chủ yếu trong xã hội ngày xưa. Trường hợp hai người sống chung như vợ chồng trước năm 1987 nhưng sau đó không sống chung nữa mà sống chung với người khác thì hôn nhân thực tế với người trước có chấm dứt hay không và khi một trong hai người mất đi thì di sản sẽ được chia như thế nào? Hãy cùng Luật Phúc Cầu tìm hiểu thông qua án lệ số 41/2021/AL sau đây.
1.Nguồn án lệ
Bản án dân sự phúc thẩm số 48/2010/DSPT ngày 29/7/2010 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng về vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế và chia tài sản chung” tại tỉnh Kon Tum giữa các bên:
- Nguyên đơn: chị Trần Thị Trọng P1;
- Bị đơn: anh Trần Trọng P2 và anh Trần Trọng P3;
2. Khái quát nội dung của án lệ
- Tình huống án lệ:
Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn nhưng sau đó họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực, có người chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân thực tế.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, phải xác định hôn nhân thực tế đầu tiên đã chấm dứt.
3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ
- Bộ luật Dân sự 2005 – Điều 676 quy định Người thừa kế theo pháp luật (tương ứng với Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015);
- Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;
- Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
4. Tóm tắt nội dung vụ án
Nguyên đơn là chị Trần Thị Trọng P1 (do bà Trần Thị S đại diện theo ủy quyền) trình bày:
Năm 1969, ông T1 sống chung với bà T2 sinh được 02 người con (P2 và P3). Do mâu thuẫn nên bà T2 đã bỏ đi và kết hôn với người khác. Năm 1985, ông T1 chung sống với bà S có con chung là P1. Năm 1987, UBND thị xã K cấp cho ông T1 8.500m2 đất vườn tại phường Q, thị xã K. Năm 1993, ông làm đơn xin giao đất xây dựng nhà ở, sau đó làm nhà ở trên phần đất được cấp đó. Năm 2000, ông T1 làm đơn xin xác nhận quyền sở hữu nhà ở. Vào ngày 26/3/2003, ông T1 mất không để lại di chúc, toàn bộ tài sản do anh P2 và P3 quản lý sử dụng. Ngày 08/10/2004, chị P1 khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của ông T1. Bà S cũng có đơn yêu cầu chia tài sản chung giữa bà và ông T1.
Bà S trình bày: trong thời gian chung sống, bà và ông T1 đã tạo lập được khối tài sản chung gồm: 01 ngôi nhà 36m2 trên diện tích đất 8.500m2, 01 xe máy Trung Quốc, 02 máy bơm nước, 450kg cà ri, 05 con heo, 70 con gà, 22 con thỏ, 01 hồ cá, 01 tủ trà. bà S yêu cầu Toà án giải quyết chia tài sản chung giữa bà và ông T1, đồng thời chia di sản thừa kế của ông T1 cho bà, chị P1, anh P2, anh P3 đối với diện tích đất còn lại, kể cả diện tích đất mà anh P3 và anh P2 đã bán cho ông L và ông C.
Bị đơn là anh Trần Trọng P2 và Trần Trọng P3 trình bày:
Tài sản trên là do ông T1 và hai anh tạo lập được, bà S không có công sức gì nên không đồng ý chia cho bà S. về yêu cầu chia thừa kế cho chị P1 thì anh P2 và anh P3 yêu cầu trưng cầu giám định ADN để xác định hàng thừa kế theo quy định của pháp luật.
5. Nội dung án lệ
Án lệ số 41/2021/AL được trích từ đoạn 3, 4 phần Nhận định của Tòa án trong Bản án dân sự phúc thẩm số 48/2010/DSPT ngày 29/7/2010, cụ thể như sau:
“[3] Xét bà Tô Thị T2 chung sống với ông T1 không đăng ký kết hôn, đến năm 1982 bà T2 đã bỏ vào Vũng Tàu lấy ông D có con chung từ đó đến nay quan hệ hôn nhân thực tế giữa ông T1 với bà T2 đã chấm dứt từ lâu nên không còn nghĩa vụ gì với nhau nên bà T2 không được hưởng di sản của ông T1 để lại như án sơ thẩm xử là đúng.
[4] Xét sau khi bà T2 không còn sống chung với ông T1 thì năm 1985 ông T1 sống chung với bà S cho đến khi ông T1 chết có 1 con chung, có tài sản chung hợp pháp, án sơ thẩm công nhận là hôn nhân thực tế nên được chia tài sản chung và được hưởng di sản thừa kế của ông T1 là có căn cứ”.6. Sự cần thiết ban hành án lệ
Nhìn chung, hôn nhân thực tế được hình thành từ việc chung sống tự do nên khi chấm dứt cũng thường được thực hiện một cách tự do. Nhiều trường hợp hôn nhân thực tế được chấm dứt trên thực tế, nghĩa là các bên không còn chung sống với nhau, không còn chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Sau khi chấm dứt việc chung sống, một trong cách bên hoặc cả hai bên tiếp tục chung sống như vợ chồng với người khác. Vậy thì quan hệ hôn nhân trước có chấm dứt hay không?
Vì Luật Hôn nhân và gia đình không có quy định cụ thể về vấn đề này nên đã xảy ra tranh chấp về chia di sản thừa kế trong trường hợp một người mất. Án lệ số 41/2021/AL ra đời nhằm giải quyết vấn đề này, đảm bảo cho hoạt động xét xử được thống nhất cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Theo đó, Tòa án sẽ chỉ thừa nhận quan hệ hôn nhân thứ hai là hợp pháp còn quan hệ hôn nhân thực tế đầu tiên xác định là đã chấm dứt và việc chia tài sản chung và hưởng di sản sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
7. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ
Trong quá trình xét xử phải “bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau” (Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Sau khi Án lệ số 41 được ban hành thì những vụ án có tính chất pháp lý tương tự sẽ được áp dụng án lệ này để giải quyết. Có thể kế đến như: xác định quan hệ hôn nhân thực tế, giải quyết tranh chấp phát sinh (chia tài sản, chia di sản) giữa nam và nữ sống chung như vợ chồng trước ngày 03/1/1987.