? ÁN LỆ SỐ 24/2018/AL ? VỀ DI SẢN THỪA KẾ CHUYỂN THÀNH TÀI SẢN THUỘC QUYỀN SỞ HỮU, QUYỀN SỬ DỤNG HỢP PHÁP CỦA CÁ NHÂN

Trên thực tế có nhiều trường hợp người chết không để lại di chúc, các đồng thừa kế thống nhất phân chia di sản và quản lý, sử dụng. Một khi đã công nhận thỏa thuận phân chia di sản thì di sản đó đã chuyển thành tài sản riêng của từng người. Sau đó, xảy ra tranh chấp đối với khối di sản đó thì hướng giải quyết như thế nào? Mời quý khách hàng tìm hiểu thông qua bài tổng hợp án lệ số 24/2018/AL của Luật Phúc Cầu.

1.Nguồn án lệ

Quyết định giám đốc thẩm số 27/2015/DS-GĐT ngày 16/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” tại thành phố Hà Nội giữa các bên:

  • Nguyên đơn: bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị H1, bà Phạm Thị H2;
  • Bị đơn: ông Phạm Văn H3;
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: gồm 12 người.

2. Khái quát nội dung án lệ

  • Tình huống án lệ

Nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước. Người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia nhà, đất. Thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào.

Việc phân chia nhà, đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai. Sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp.

  • Giải pháp pháp lý

Trường hợp này, phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân. Những người này chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.

3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

Bộ luật Dân sự 2005, gồm các điều:

  • Điều 219 quy định Sở hữu chung của vợ chồng;
  • Điều 223 quy định Định đoạt tài sản chung;
  • Điều 226 quy định Chấm dứt sở hữu chung.

(tương ứng với các điều 213, 218, 220 Bộ luật Dân sự 2015)

4. Tóm tắt nội dung vụ án

Tại Quốc Oai, Hà Tây cũ có vợ chồng Phạm Văn H (mất năm 1978), Ngô Thị V (mất ngày 21/8/1994), có với nhau bảy người con là Phạm Văn H3, Phạm Văn Đ, Phạm Văn T, ông Phạm Văn Q (mất năm 2000) và các bà Phạm Thị H, Phạm Thị H2, Phạm Thị H3. Vợ chồng cụ H, cụ V tạo lập và sinh sống trên một mảnh đất rộng 464m². Sau khi cụ H qua đời, không để lại di chúc, mảnh đất được chia hai, đứng tên hai người con trai là ông H3 và ông T. Sau đó, cụ K cùng một số người con trong đó cả ba người con gái vào miền Nam xây dựng kinh tế mới. Vài năm sau, cụ V trở về rồi cư trú trên mảnh đất này cho đến khi qua đời. Cũng trong giai đoạn này, cụ K họp bàn với bảy người con, chia các phần đất, trong đó, ba người con gái được chia một phần nhỏ diện tích 44,4 m² do người anh là ông H3 quản lý.

Nhiều năm sau, ông H3 chia đất cho các con, trong đó có cả 44,4 m² đất được mẹ chia cho ba người em gái. Lúc này, ba người em gái trở về từ miền Nam, yêu cầu đòi lại đất nhưng không thể thỏa thuận. Từ đây, ngày 30/6/2004, nguyên đơn Phạm Thị H, Phạm Thị H1, Phạm Thị H2 khởi kiện bị đơn Phạm Văn H3, gửi đơn Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Vụ án phức tạp về cả nhận định và tố tụng, trải qua ba lần sơ thẩm, ba lần phúc thẩm, bị đình chỉ một lần, giám đốc thẩm hai lần mới đạt được nhận định chung để quay trở lại với sơ thẩm lần thứ tư.

5. Nội dung án lệ

“[4]…nhà đất của cụ V, cụ H đã được cụ V và các thừa kế của cụ H thống nhất phân chia tài sản chung xong từ năm 1991 và đủ cơ sở xác định phần đất 110m2 trong đó phần bà H, bà H1 và bà H2 là 44,4m2. Việc phân chia đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai; thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, không ai tranh chấp nên có cơ sở xác định nhà, đất không còn là di sản thừa kế của cụ V, cụ H nữa mà đã chuyển thành quyền sử dụng đất hợp pháp của các cá nhân. Vì vậy, bà H, bà H1, bà H2 chỉ có quyền khởi kiện đòi lại 44,4m2 đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp do được chia từ năm 1991; tài sản là di sản thừa kế của cha mẹ không còn nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu chia di sản của cụ H, cụ V nữa.”

6. Sự cần thiết phải công bố án lệ

Khi những người thừa kế của người để lại di sản đều thống nhất phân chia và đã được thực hiện trên thực tế thì di sản đó đã chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của người khác, không còn là di sản thừa kế nữa. Sau đó nếu có tranh chấp xảy ra giữa các đồng thừa kế thì người khởi kiện chỉ có quyền khởi kiện yêu cầu đòi lại nhà, đất đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế.

Án lệ 24/2018/AL ra đời nhằm hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đối với các trường hợp có sự kiện pháp lý tương tự.

7. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ

Sau khi án lệ được công bố thì những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự sẽ được áp dụng nội dung của án lệ để giải quyết. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, các tranh chấp liên quan đến nhà, đất là tài sản chung của vợ/chồng mà một người chết trước, người còn lại và các thừa kế của người chết trước tự thỏa thuận thống nhất phân chia nhà, đất. Thỏa thuận đó không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, việc phân chia nhà, đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai, sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp thì khi giải quyết vụ án, Tòa án phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân; những người này chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.

Thứ hai, trường hợp tài sản chung đó không phải là nhà đất nhưng có tình tiết tương tự cũng áp dụng án lệ để giải quyết.

Trên thực tế, Bản án 12/2019/DS-PT ngày 22/02/2019 về Tranh chấp thừa kế tài sản ở tỉnh Đắk Lắk Thẩm phán đã áp dụng án lệ số 24/2018/AL làm cơ sở để giải quyết.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *