DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI THÀNH LẬP CÔNG TY CON TẠI VIỆT NAM

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam diễn ra ngày càng phổ biến. Đây là một trong những hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được quy định trong Luật Đầu tư 2020. Do đó, bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ trình bày cho Quý khách hàng có quan tâm về thủ tục thành lập công ty con tại Việt Nam đối với người nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cơ sở pháp lý:

  • Cam kết WTO;
  • Các Hiệp định thương mại tự do có liên quan;
  • Luật Doanh nghiệp năm 2020;
  • Luật Đầu tư năm 2020;
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.

1. Khái niệm công ty mẹ, công ty con

Theo quy định tại Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020, một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó.

+ Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng  trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó.

+ Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Công ty con là một đơn vị trực thuộc của công ty mẹ, được một công ty khác góp vốn trên 50% vốn điều lệ công ty. Do đó, một công ty mẹ có thể có nhiều công ty con, nhưng một công ty con chỉ có một công ty mẹ. Các vấn đề pháp lý về công ty con còn được quy định như sau:

– Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

– Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới theo quy định của Luật này.

Như vậy, công ty mẹ và công ty con là hai chủ thể có tư cách pháp nhân độc lập nhưng có mối quan hệ với nhau về sở hữu. Trong đó, công ty mẹ có vai trò là trung tâm quyền lực, nắm giữ quyền chi phối các công ty con.

2. Điều kiện công ty nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập công ty con tại Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện sau:

Có tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong công ty, trừ các trường hợp:

+ Công ty niêm yết.

+ Công ty đại chúng.

+ Tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán.

+ Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác.

+ Trường hợp khác quy định tại điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên.

+ Thực hiện đầu tư, phạm vi hoạt động của công ty, một số điều kiện khác theo quy định cụ thể tại điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên.

Được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thực hiện lựa chọn các loại hình doanh nghiệp theo quy định pháp luật Việt Nam.

3. Thủ tục thành lập công ty con của doanh nghiệp nước ngoài

Thủ tục thành lập công ty con của doanh nghiệp nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật đầu tư 2020 và Điều 64 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Trước tiên, tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

– Có tổ chức kinh tế nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

– Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Như vậy, trong các trường hợp trên, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Xin quyết định, chủ trương đầu tư (thực hiện đối với một số trường hợp cần xin quyết định, chủ trương đầu tư)

– Tùy thuộc và loại dự án, quy mô mà nhà đầu tư phải đăng ký xin quyết định, chủ trương đầu tư với cơ quan có thẩm quyền tương ứng. Thẩm quyền quyết định thuộc về một trong các cơ quan bao gồm: Quốc hội, Thủ tướng Chính Phủ, UBND cấp tỉnh.

– Nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cho một trong các cơ quan có thẩm quyền là Bộ kế hoạch và đầu tư và Cơ quan đăng ký đầu tư của UBND cấp tỉnh

– Các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các bước thẩm định hồ sơ và ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020.

Bước 2: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Công ty nước ngoài nếu muốn thành lập công ty con tại Việt Nam thì dù công ty nước ngoài có chiếm 1% nhiều hơn 100% vốn của công ty con tại Việt Nam đều sẽ phải làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Để xin được chứng nhận đầu tư, hồ sơ sẽ bao gồm đầy đủ các giấy tờ sau:

– Đơn xin thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam;

– Bản đề xuất dự án đầu tư tại Việt Nam;

– Bản thuyết minh năng lực tài chính của công ty nước ngoài, giấy xác nhận số dư trong tài khoản ngân hàng để thực hiện đầu tư theo báo cáo tài chính hoặc vốn điều lệ kê khai khi thành lập công ty con tại Việt Nam;

– Bản giải trình về việc đáp ứng điều kiện thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam;

– Quyết định thành lập công ty con tại Việt Nam;

– Hợp đồng thuê trụ sở làm việc hoặc chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao) của công ty nước ngoài;

– Điều lệ của công ty nước ngoài;

– Hộ chiếu hoặc bất kỳ loại giấy tờ tùy thân có giá trị của đại diện của nhà đầu tư;

– Giấy giới thiệu nộp hồ sơ.

Bước 3: Thủ tục thành lập doanh nghiệp

Công ty nước ngoài nộp bộ hồ sơ đề nghị thành lập công ty con tại Việt Nam đến Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh nơi đặt trụ sở của công ty con.

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

– Đơn xin thành lập công ty con

– Quyết định của công ty mẹ về việc thành lập công ty con tại Việt Nam

– Biên bản của công ty mẹ về việc thành lập công ty con tại Việt Nam

– Thông báo của công ty mẹ về việc thành lập công ty con tại Việt Nam

– Dự thảo Điều lệ của công ty con tại Việt Nam

– Danh sách thành viên của công ty con kèm theo bản sao chứng thực một trong những giấy tờ chứng thực cá nhân của mỗi thành viên.

– Văn bản xác nhận số vốn pháp định (nếu công ty con kinh doanh ngành nghề mà pháp luật có yêu cầu về vốn pháp định)

– Chứng chỉ hành nghề (nếu công ty con kinh doanh nghành nghề có yêu cầu chứng chỉ hành nghề)

Trong vòng 10 ngày làm việc, công ty nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam sẽ được Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh cấp đăng ký kinh doanh nếu như hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *