Giành quyền nuôi con là một trong những vấn đề tranh chấp thường xuyên nhất giữa vợ và chồng khi ly hôn. Nhiều người nghĩ rằng sau khi đã có quyết định của Tòa án thì quyền nuôi con sẽ hoàn toàn thuộc về mình. Tuy nhiên, người trực tiếp nuôi con có thể bị thay đổi khi có những căn cứ cho rằng điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ đã không còn được đảm bảo. Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp thắc mắc trên cho Quý khách hàng về điều kiện thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn:
Cơ sở pháp lý:
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
1. Điều kiện thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn
Ngoài các vấn đề về tài sản và nợ khi giải quyết ly hôn, con chung cũng là một trong những vấn đề mà vợ chồng thường xảy ra tranh chấp. Việc nuôi con sẽ do vợ chồng tự thỏa thuận với nhau hoặc nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Khi đó, Tòa án sẽ giao quyền trực tiếp nuôi con cho một trong hai bên vợ hoặc chồng trên cơ sở xem xét độ tuổi của con và điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của mỗi bên vợ/chồng phù hợp với lợi ích của đứa trẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường hợp sau khi ly hôn và được giao quyền nuôi con, nhiều người cha/ mẹ không quan tâm đến con, bỏ bê việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con… thậm chí còn xảy ra tình trạng bạo hành. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho con, người cha/ mẹ – người không trực tiếp nuôi con có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có căn cứ con không được hưởng sự chăm sóc, nuôi dưỡng tốt.
Theo Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự
….”
Với quy định trên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trong nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con
Như vậy, vợ chồng có thể tự thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con để phù hợp với lợi ích của con và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó. Còn đối với trường hợp không thỏa thuận được cũng như người trực tiếp nuôi con đã không đảm bảo điều kiện phù hợp với lợi ích của con thì người vợ hoặc chồng cần phải chứng minh người chồng/vợ không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con, trông nom, chăm sóc, giáo dục con. Theo đó, Tòa án sẽ tiến hành xem xét những bằng chứng mà người không được trực tiếp nuôi con đưa ra để đưa ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Ngoài ra, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con còn phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con, Tòa án sẽ quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trong đó, con chỉ được giao cho người giám hộ theo căn cứ tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự khi cha, mẹ bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền với con, cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con, cha mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự… và có yêu cầu người giám hộ
2. Ai được yêu cầu thay đổi quyền nuôi con?
Khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
“Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.”
Theo đó, người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn là cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức khác.
Trong đó, căn cứ khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì các cá nhân, tổ chức sau đây có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con gồm:
– Người thân thích: có thể là ông, bà, cô, dì, chú, cậu, mợ…
– Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình
– Cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em
– Hội Liên hiệp phụ nữ.
3. Hồ sơ cần chuẩn bị:
Người có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn cần chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu);
- Bản án/Quyết định ly hôn;
- Bản sao chứng thực Sổ hộ khẩu, CMND của hai bên vợ chồng;
- Bản sao chứng thực Giấy khai sinh của con;
- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: như chứng cứ chứng minh về thu nhập, thời gian, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng, nhân thân,…
4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Theo quy định Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân quận, huyện nơi người đang trực tiếp nuôi dưỡng con đang cư trú hoặc đang đăng ký tạm trú có thẩm quyền giải quyết việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.
Như vậy, nếu muốn giành lại quyền nuôi con, người có yêu cầu phải làm đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con gửi lên Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi người trực tiếp nuôi con đang cư trú hoặc tạm trú để được yêu cầu giải quyết.
Trong trường hợp nếu không xác định được hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người đang trực tiếp nuôi con thì rất khó để Tòa án xác định và thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
5. Thủ tục giải quyết
Bước 1: Nộp đơn thay đổi quyền nuôi con
Người có yêu cầu nộp hồ sơ như trên khởi kiện tại TAND có thẩm quyền.
Bước 2: Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án
– Tòa án thụ lý vụ án.
– Tiến hành hòa giải, thỏa thuận về việc thay đổi quyền nuôi con. Nếu hòa giải không thành thì thực hiện các thủ tục tiếp theo đưa vụ án ra xét xử.
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.